Làm gì để ngăn chặn bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em?

Sáng 25-6, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong ngăn chặn bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em'.

Sáng 25-6, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong ngăn chặn bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em”.

Hội thảo nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em”.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều.

Đề nghị điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Hữu Linh

Ngày 25-6, TAND Q. 4, TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Phiên tòa được xét xử kín, với sự tham gia của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, đại diện VKSND Q. 4, luật sư bào chữa và bị cáo Nguyễn Hữu Linh. Đồng thời, Hội đồng xét xử đã triệu tập giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế thành phố. Gia đình bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt vì không muốn việc xét xử ảnh hưởng đến tâm lý của bé gái nạn nhân. Sau khoảng 2 giờ xét xử, tới 10 giờ cùng ngày, Thư ký phiên tòa đã ra thông báo kết quả: Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, đề nghị làm rõ thêm căn cứ buộc tội ông Linh. Ngay sau khi Tòa trả hồ sơ, VKSND Q. 4 đã hoàn trả lại hồ sơ cho Tòa với lý do cáo trạng đã nêu rõ hành vi phạm tội.

HÀ CHUNG

Tình trạng xâm phạm trẻ em có xu hướng tăng

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức về vai trò, vị trí của trẻ em, vai trò trách nhiệm của người lớn, của xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một số nơi chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật đối với trẻ em chưa được thường xuyên, gây khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh nhấn mạnh, thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam về công tác tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ, giáo dục trẻ em và chăm sóc mầm non tương lai của Tổ quốc và thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Ban Thường vụ Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam mong muốn, thông qua Hội thảo sẽ nhận được các ý kiến đề xuất nội dung, giải pháp trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trong đó, đặc biệt là những giải pháp cụ thể phối hợp, ngăn chặn tình trạng bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tổng hợp đưa vào Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp thời gian tới. Đồng thời, phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong hai năm 2017-2018 và ba tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với hơn 3.546 trẻ bị xâm hại. Trong đó, số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Bên cạnh đó, bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều. Học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh, bạo lực trong các cơ sở mầm non.

Rà soát quy định pháp luật

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay, theo ông Đặng Hoa Nam, đó là: Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, thành viên trong gia đình, giáo viên, cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em còn chưa đúng, đủ. Bên cạnh đó, nhiều quy định, pháp luật chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha, qua theo dõi của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ghi nhận các kiến nghị về công tác xử lý các hành vi xâm hại trẻ em của Ủy ban Tư pháp và từng bước xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều hơn, mức án cũng nghiêm khắc hơn so với trước. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thẳng thắn đánh giá, về cơ bản các kết quả nêu trên vẫn chưa đáp ứng được tình hình. Số vụ xâm hại vẫn có chiều hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn, việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em có một số khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật...

Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra một số giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em... Cùng với đó, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; truyền thông, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em như: Bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em; bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

THU PHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_208364_lam-gi-de-ngan-chan-bao-luc-bao-hanh-va-xam-hai-t.aspx