Làm gì để ngăn chặn nội dung quảng cáo xấu độc?

Cùng với sự phát triển của hạ tầng internet và các dịch vụ nội dung số, quảng cáo trên mạng đang tăng trưởng nhanh chóng và trở thành xu hướng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các quảng cáo mang nội dung độc hại, các quy định, chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe và chưa khả thi trong thực tế đặt ra thách thức trong công tác quản lý Nhà nước.

Cần có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các quảng cáo bẩn trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Công Hùng

Cần có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các quảng cáo bẩn trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Công Hùng

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, trên không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu, độc trên YouTube, Facebook…

Trong thời điểm diễn ra World Cup 2022, Facebook xuất hiện rất nhiều quảng cáo liên quan đến cá độ bóng đá nhưng gần như nền tảng này không có động thái nhằm ngăn chặn, xử lý. “Trong 6 DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một DN áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu, độc… Vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến” - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do thông tin.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra với 45 tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo và đã xử lý vi phạm hành chính với 15 tổ chức, cá nhân này với số tiền 210 triệu đồng; đồng thời, kiểm tra 6 DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật tại Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam…

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do, dù đã có quy định về quản lý quảng cáo trên môi trường mạng, song các DN, nhãn hàng, đơn vị quảng cáo trong và ngoài nước chưa tự giác thực hiện.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2021 (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Song, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm liên quan đến vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam. Chế tài xử lý còn chưa khả thi trong thực tế do các nền tảng xuyên biên giới có trụ sở ở nước ngoài, không mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, nên việc xử lý là vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy, để dẹp bỏ hoàn toàn cũng như ngăn chặn các nội dung quảng cáo xấu độc, cần phải xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với cơ quan chức năng theo quy định; đồng thời thực hiện các giải pháp: ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-ngan-chan-noi-dung-quang-cao-xau-doc.html