Làm gì để sản xuất hướng tới bền vững?

Đi liền với sự phát triển kinh tế, những vấn đề liên quan đến tính kém bền vững xuất hiện cũng nhiều hơn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra của thị trường nhập khẩu về yếu tố bền vững ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Doanh nghiệp cần làm gì trước xu thế này?

Để sản xuất đạt tiêu chuẩn bền vững, doanh nghiệp phải đáp ứng 150 chỉ tiêu khác nhau được VCCI xây dựng trong bốn bộ tiêu chí. Trong ảnh: Một công đoạn sản xuất tại một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Lượng

Tăng trưởng và thách thức bền vững

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nói rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng xanh, sạch và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, do yếu tố xanh, sạch nên đây cũng là một thách thức vì rất dễ bị ô nhiễm bởi các tác động của công nghiệp hóa, toàn cầu hóa.

Xét về kinh tế, theo ông Lam, ĐBSCL đã có sự tăng trưởng cao tính từ thập niên 2000 trở về sau. “Đặc biệt, trong giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng kinh tế ĐBSCL rất cao, bình quân từ 10-12%/năm, thậm chí có những năm lên đến 13,5%”, ông Lam cho biết và giải thích sự bứt phá đó dựa vào những lợi thế sẵn có của nền tảng nông nghiệp, nền kinh tế xanh.

Sự tăng trưởng nêu trên là kết quả của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã đầu tư, phát triển ở ĐBSCL. Thế nhưng, điều này cũng làm phát sinh hàng loạt vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường. “Đây sẽ là thách thức của các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Lam nói.

Đi vào chi tiết, ở những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao tại ĐBSCL như Tiền Giang, Long An..., sự phát triển công nghiệp và đô thị cũng cao tương ứng. “Nếu so sánh trước đây chưa có đường cao tốc và khi cao tốc TPHCM-Trung Lương được xây dựng từ năm 2010, chúng ta thấy vai trò phát triển dựa trên nền tảng hạ tầng này của tỉnh Long An, Tiền Giang bứt phá rất nhanh”, ông Lam dẫn chứng.

Theo ông Lam, riêng Long An đã chiếm hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của vùng ĐBSCL. Long An hiện có đến 18 khu công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp FDI hoạt động. Điều này góp phần giúp xuất khẩu của địa phương đạt trên 4,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017. Kế đến, Tiền Giang trong hoạt động xuất khẩu cũng đã mang về trên 2 tỉ đô la.

Tuy nhiên, đi đôi với sự bứt phá về tăng trưởng, một vấn đề được đặt ra ở những nơi này là có nhiều doanh nghiệp không nằm trong tiêu chí phát triển xanh và bền vững. Đây đang là một thách thức về các vấn đề ô nhiễm, các vấn đề về công nghiệp đối với vùng ĐBSCL, ông Lam nhận xét.

Trong khi đó, không ít thị trường nhập khẩu, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU)..., người tiêu dùng đòi hỏi quy trình sản xuất sản phẩm phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường lẫn xã hội, chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng về mặt chất lượng như trước đây.

Cụ thể, bên cạnh tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, EU còn yêu cầu những tiêu chuẩn khác kèm theo như là điều kiện để được ưu tiên nhập khẩu sản phẩm vào thị trường này. Chẳng hạn, tiêu chuẩn ASC, BAP - những tiêu chuẩn sản xuất mang yếu tố bền vững với môi trường.

Ngoài ra, vào tháng 10 năm ngoái, EU cũng đã tiến đến việc yêu cầu các nước xuất khẩu hải sản, trong đó có Việt Nam phải đảm bảo không khai thác bất hợp pháp (IUU). Việt Nam hiện đang bị EU áp “thẻ vàng” do bị cho rằng chưa đạt những yêu cầu mà phía EU đưa ra.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Thủy sản Việt Úc, nói rằng việc sản xuất thủy sản bền vững là xu hướng tất yếu, đồng thời giúp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản có tỷ lệ thành công cao hơn. Ông Tuấn ví dụ, với ngành tôm, nếu không bảo vệ môi trường sẽ không bền vững, làm vụ này có thể trúng hoặc năm này có thể trúng, nhưng vụ sau hoặc năm sau có thể thất bại vì môi trường bị ô nhiễm. Theo ông Tuấn, khi tuân thủ các yếu tố bảo vệ môi trường, người sản xuất tôm cũng được lợi, chứ không phải chỉ có người nhập khẩu.

Nhiều tiêu chuẩn cần tuân thủ

Ông Nguyễn Phương Lam (VCCI Cần Thơ) cho biết, Liên hiệp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với gần 200 chỉ tiêu khác nhau, bao gồm bình đẳng, chống bất công, chống biến đổi khí hậu... VCCI cũng đã xây dựng bộ tiêu chí riêng cho Việt Nam dựa trên nền tảng được Liên hiệp quốc đề ra cũng như góp ý từ các bộ ngành, chuyên gia.

Tuy nhiên, theo ông Lam, sau hai năm thực hiện đánh giá và công bố danh sách 100 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bền vững của Việt Nam, ở khu vực ĐBSCL, số doanh nghiệp đạt yêu cầu tuy có tăng so lần đầu nhưng cũng chỉ có sáu doanh nghiệp đạt trong lần công bố vào năm ngoái.

Ông Lam cho biết, để sản xuất đạt tiêu chuẩn bền vững, doanh nghiệp phải đáp ứng 150 chỉ tiêu khác nhau được VCCI xây dựng trong bốn bộ tiêu chí. Với bộ tiêu chí thứ nhất về quản trị, chiến lược trong phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần phải có chiến lược liên quan phát triển bền vững; xây dựng hệ thống quản lý liên quan đến phát triển bền vững; thông tin doanh nghiệp phải công khai, minh bạch.

Với bộ tiêu chí thứ hai về tính kinh tế, doanh nghiệp phải hiệu quả trong hoạt động kinh doanh; đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và người tiêu dùng; tuân thủ những quy định pháp luật trong kinh doanh.

Bộ tiêu chí thứ ba là về tính môi trường trong phát triển bền vững. Đây là bộ tiêu chí quan trọng, quy định doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về môi trường; phòng ngừa sự cố, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ rừng, nguồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên đất, nước, khoáng sản và môi trường biển... Bộ tiêu chí cuối cùng là về vấn đề xã hội và lao động. Với bộ tiêu chí này, doanh nghệp phải đáp ứng những vấn đề về lao động như người lao động có được đào tạo nghề hay không, quy định về thời gian làm việc, nghỉ việc, chế độ tiền lương, an toàn vệ sinh lao động...

Theo ông Lam, đối với doanh nghiệp ở ĐBSCL, khả năng áp dụng được tiêu chuẩn phát triển bền vững là khả thi. Khi doanh nghiệp đứng trước áp lực phải thay đổi, họ sẽ áp dụng rất nhanh và đây là đặc điểm của doanh nghiệp ĐBSCL.

Ông Đặng Quốc Tuấn cho biết công ty này đang phối hợp với tỉnh Bạc Liêu xây dựng vùng sản xuất tôm an toàn, trong đó, lấy Việt Úc làm hạt nhân để lan tỏa ra xung quanh. “Đây là giải pháp chiến lược để thực hiện việc thay đổi”, ông nói.

Huỳnh Lượng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276318/lam-gi-de-san-xuat-huong-toi-ben-vung-.html