Làm gì để tận dụng lợi thế từ CPTPP trong thế giới nhiều biến động?

Ngày 30/8, Diễn đàn 'Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực thi Hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung' do Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Nhận diện thương chiến Mỹ - Trung

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, quan điểm hội nhập của Đảng, Nhà nước ta là đa phương hóa, đa dạng hóa, toàn diện nhưng lấy kinh tế là trọng tâm, cơ sở là việc gia nhập WTO, song chú trọng khu vực châu Á thông qua những tổ chức, như: AEC, 6 ASEAN + 1 FTAs hay RCEP và phát triển bằng cả “luật” – là những FTAs, kể cả những FTAs chất lượng cao, như: CPTPP, EVFTA và bằng cả “tình cảm” – quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với các quốc gia.

Việt Nam cần nhận diện được xu thế thị trường; cách mạng tiêu dùng; cách mạng công nghệ, nhất là công nghệ số; đô thị hóa và cấu trúc dân số… để có những đối sách dài hạn hiệu quả

Hiện thực hóa quan điểm này đã đưa nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn hơn bao giờ hết mà kết quả đồng thời là cả cơ hội và thách thức. Trong khi đó, với những trắc trở và biến động khôn lường của thế giới, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung – một cuộc chiến đa chiều, phức hợp, chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế, thì nền kinh tế Việt Nam không tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Làm rõ hơn về cuộc thương chiến Mỹ - Trung, ông Thành phần tích, đây là cuộc chiến đa chiều, liên quan đến không chỉ kinh tế, thương mại mà còn là cuộc chiến công nghệ, mô hình phát triển và cả địa - chính trị... Đây cũng là cuộc chiến phức hợp với những nội hàm, như: “ngắn hạn – dài hạn” và “trực tiếp – gián tiếp” mà tác động của nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính, du lịch… trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Đưa thêm những hệ lụy trong dài hạn đối với thế giới, ông Võ Trí Thành cho rằng, sẽ tạo ra sự đối nghịch giữa xu hướng “toàn cầu hóa/liên kết/hội nhập” với “chủ nghĩa dân tộc cực đoàn, dân túy/chủ nghĩa bảo hộ/xung đột địa – chính trị”.

Đối sách nào cho Việt Nam?

Các chuyên gia cho rằng, khi quyết tâm hội nhập, mở cửa, chúng ta đã tự ý thúc tạo ra cho mình áp lực và động lực để cải cách. Vì vậy, cải cách thể chế một cách toàn diện, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô phải được thực thi nhanh và hiệu quả hơn nhằm tạo dựng hình ảnh tốt về cách ứng xử của một “nhà nước pháp quyền”, một Chính phủ phục vụ công dân, doanh nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình và có trách nhiệm.

Và chỉ khi hệ thống thể chế trong nước tương thích, tiệm cận với những nguyên tắc chung của thế giới thì cơ hội có được từ hội nhập mới thực sự mang lại hiệu quả. Cụ thể hơn là cải cách, hoàn thiện thể chế để đáp ứng những cam kết hội nhập trong CPTPP, EVFTA hay AEC…

Cùng đó, “Việt Nam cần nhận diện được xu thế thị trường; cách mạng tiêu dùng; cách mạng công nghệ, nhất là công nghệ số; đô thị hóa và cấu trúc dân số… trong 20 năm nữa để có những đối sách dài hạn hiệu quả” – Chuyên gia Võ Trí Thành khuyến nghị và bổ sung, trọng tâm vẫn phải là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động bên ngoài. Đồng thời, Nhà nước phải có và thực thi một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí tuần thủ, giúp nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ…

Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương – đưa ra con số: Sau 7 tháng Bộ Công Thương chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử hỏi – đáp về Hiệp định CPTPP (tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/) nhưng chỉ nhận được 12 câu hỏi thắc mắc liên quan. Điều này cho thấy ộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, quan tâm tìm hiểu các quy định trong CPTPP và nhiều FTA khác.

Từ thực tế này, ông Khanh cho rằng, nếu Nhà nước hoàn thiện, cải cách hệ thống thể chế, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, nhưng bản thân các doanh nghiệp không chủ động đồng hành cùng Nhà nước để nắm bắt, hiểu, thực thi và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại nói chung, CPTPP nói riêng thì kết quả chắc chắn sẽ rất hạn chế.

Tại diễn đàn, rất nhiều khuyến nghị khác đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng đã được đưa ra, song trọng tâm hơn cả là chủ động nắm bắt những cam kết hội nhập giữa Việt Nam và thế giới; tự đánh giá lại nội lực, tận dụng cơ hội ngay tại thị trường trong nước trước khi tính đến những bước tiến ra thị trường quốc tế.

Như một điển hình, bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - lấy Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP – làm ví dụ để đưa ra khuyến nghị rằng, doanh nghiệp đừng “đao to, búa lớn” mà hãy tìn hiểu hệ thống pháp luật của Việt Nam, đối chiếu với hệ thống quy định của thế giới và “chắt lọc” cơ hội để phát triển.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-tan-dung-loi-the-tu-cptpp-trong-the-gioi-nhieu-bien-dong-124526.html