Làm gì nếu trẻ chán quay lại năm học mới?

Các học sinh đã bước vào năm học mới được vài ngày, song dư âm mùa hè vẫn còn. Việc đi học lại bình thường là những cơn ác mộng kéo dài, phải dậy sớm đi học, cặm cụi làm bài tập,…Vì vậy, để trẻ bắt nhịp lại cuộc sống học đường không phải là điều dễ làm.

Đặt tên cho cảm xúc

Cha mẹ cần quan tâm hơn tới cảm xúc của trẻ nhỏ sau một vài ngày đi học trở lại. Chúng tỏ ra hào hứng, vui vẻ khi đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô, chăm chỉ học hành, hay mỗi khi về tới nhà là gương mặt cau có, quẳng luôn cặp sách vào phòng rồi lăn ra ngủ hoặc chơi điện tử. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng tới quá trình học tập và sự phát triển tâm lý. Vì vậy, hãy hỏi chúng cảm thấy thế nào? Có lo lắng trước những kiến thức mới? Tức giận hay muốn chơi với bạn mới? Cảm thấy không vui với thầy-cô giáo mới…Những cảm xúc được đặt tên sẽ giúp cả đôi bên hiểu rõ vấn đề hơn cũng như tìm ra giải pháp hiệu quả.

Ghi nhận những mất mát

Kết thúc của một kỳ nghỉ là điều mất mát: mất đi thời gian để nô đùa với bạn bè, không được khám phá những lợi ích, trải nghiệm đam mê bên ngoài cánh cổng trường học, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Nói cách khác, một năm học sẽ rất bận rộn lôi cuốn trẻ vào các khía cạnh khác trong cuộc sống. Vì vậy, nắm bắt được những điểm này sẽ giúp trẻ xác định tư tưởng “sống chung với lũ” từ sớm, chấp nhận đi học trong tâm trạng cởi mở chứ không phải chống chế.

Kết nối với những người khác

Năm học mới đến bé sẽ được gặp lại bạn bè, cùng nhau nô đùa trong những giờ giải lao hoặc ngồi tỉ tê kể nhau nghe về đủ thứ chuyện trên giời, khoe những trải nghiệm tuyệt vời trong kỳ nghỉ hè vừa qua: “Tớ được đi cắm trại, tớ được về nhà bà ngoại, tớ đã được cưỡi ngựa”…Đó chính là niềm vui của trẻ mỗi khi đến trường, động lực để bé vui vẻ đi học mỗi ngày. Vì vậy, cha mẹ hãy cho trẻ vui chơi, giao tiếp với bạn bè trong giới hạn cho phép để chúng cảm thấy thoải mái nhất.

Lập kế hoạch kỳ nghỉ ngắn hạn

Quay trở lại trường học không có nghĩa là chỉ học, học và học. Trẻ nhỏ luôn muốn vui chơi, ngay cả khi đã là học sinh tuổi THCS. Vì vậy, vào năm học mới không có nghĩa là đóng sập cánh cửa vui chơi của các bé. Hãy lập một kế hoạch nghỉ ngơi ngắn hạn cho trẻ, vào cuối tuần, vào những ngày nghỉ học…Điều này sẽ giúp xoa dịu "nỗi đau" của trẻ khi phải kết thúc mùa hè, tăng thêm cảm giác hào hứng trong học tập.

Một thực tế cho thấy, tình trạng trẻ chán đến trường và học hành diễn ra rất nhiều, thậm chí cha mẹ luôn la hét đẩy chúng đến trường mà không hiểu rõ sự tình. Tại sao nhiều trẻ luôn sợ đến trường? Có 4 nguyên nhân cơ bản sau:

- Trẻ bị bắt nạt, luôn gặp khó khăn khi chơi đùa cùng với bạn bè trong ngắn hạn hoặc dài hạn.

- Chúng đôi khi rơi vào trạng thái phải đấu tranh tư tưởng học tập cho ai mà cha mẹ cứ luôn thúc ép như vậy, tạo tâm lý tiêu cực.

- Chúng lo lắng trong cuộc sống xung quanh, sợ hãi các bài kiểm tra, những chuyện xảy ra trong gia đình, …

- Gặp rắc rối về các nguyên tắc ở trường

Vì vậy, cha mẹ cần phải tinh ý giúp trẻ đối phó với các vấn đề, tìm ra nguyên nhân trẻ ghét đến trường, không thích chuyện học hành, để chúng phát triển được giáo dục đầy đủ về kiến thức xã hội và khoa học cũng như phát triển nhân cách.

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/lam-gi-neu-tre-chan-quay-lai-nam-hoc-moi