Làm giàu ngay trên ruộng, rẫy nhà

Nhờ chính sách thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông - lâm sản, mà sản phẩm của nông dân tỉnh Phú Yên làm ra đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhất là ở ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh, góp phần giúp bà con làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa rẫy của mình.

Tìm đầu ra cho nông sản

Trước đây, diện tích sắn, mía ở Phú Yên rất manh mún, năng suất thấp, sản phẩm của nông dân làm ra khó tiêu thụ vì giá thấp, không đủ chi phí. Thời điểm này, ở ba huyện miền núi không có các nhà máy thu mua, chế biến nông sản. Cứ đến mùa thu hoạch sắn, mía, nông dân bị tư thương ép giá phải bán đổ bán tháo. Nhằm giúp đỡ người dân, từ đầu những năm 2000, tỉnh Phú Yên tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, nhất là ở miền núi. Đến nay, đã có hai nhà máy đường (công suất gần 10.000 tấn/ngày), hai nhà máy sắn (công suất hơn 600 tấn/ngày) đặt tại ba huyện miền núi của tỉnh, bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng mía, sắn của nông dân và thu mua của các tỉnh lân cận với giá theo thị trường cùng nhiều chính sách ưu đãi.

Có các nhà máy thu mua, chế biến nông sản tại chỗ, nông dân Phú Yên tự tin mở rộng diện tích trồng. Đến nay, đã có hơn 26.000 ha mía, gần 18.000 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Trung bình, mỗi héc-ta sắn, mía, trừ chi phí, nông dân có thu nhập từ 20 triệu đến hơn 30 triệu đồng. Đời sống người dân miền núi Phú Yên được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 25 triệu đồng/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với cách đây 5 năm. Nhiều hộ trồng diện tích lớn được các nhà máy ưu đãi chính sách đầu tư, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi vụ, trở thành triệu phú nhà nông. Có của ăn, của để, người dân phấn khởi, tích cực cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật là đường bê-tông vươn đến cửa ngõ từng hộ, ra tận cánh đồng mía, sắn bạt ngàn mầu xanh.

Anh Võ Văn Út, nông dân huyện miền núi Sơn Hòa, người thu lãi tiền tỷ nhờ trồng mía bộc bạch: Lúc đầu gia đình tôi trồng 3 ha mía. Đến nay, gia đình tôi ký, bao tiêu sản phẩm với nhà máy chế biến đường trong huyện, trồng 50 ha. Được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, năng suất mía đạt 70 tấn/ha, lúc mới trồng chỉ có 25 tấn/ha.

Nhờ có nhà máy chế biến nông sản, nông dân yên tâm, tranh thủ mở rộng diện tích, chủ động sản xuất, nâng cao thu nhập.

Phát triển kinh tế rừng

Ngoài việc phát triển ổn định diện tích mía và sắn, những năm gần đây, người dân và doanh nghiệp còn chủ động trồng rừng kinh tế trên đất canh tác bạc màu. Nhiều hộ có vài nghìn mét vuông đất cũng tận dụng để trồng rừng, mở ra hướng phát triển mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

So với hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, thì Đồng Xuân có địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích. Huyện xác định chỉ có kinh tế rừng mới tạo đột phá phát triển bền vững. Vì vậy, với hơn 13.000 ha rừng trồng hiện có (chiếm gần 20% diện tích rừng trồng toàn tỉnh), trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, Đảng bộ huyện Đồng Xuân đề ra Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ, phát triển rừng và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt 25.876 ha rừng tự nhiên hiện nay, địa phương còn khuyến khích người dân và doanh nghiệp trồng thêm hơn 9.000 ha rừng cây gỗ lớn và gỗ dùng làm nguyên liệu giấy, viên nén, ván ép dăm… đáp ứng nhu cầu cho nhà máy chế biến công suất hơn 200 tấn viên nén, dăm mỗi năm. Đồng Xuân cũng là địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất nhì tỉnh Phú Yên, là huyện miền núi đầu tiên có nhà máy chế biến gỗ công nghiệp hiện đại, giúp người trồng rừng giảm mọi chi phí đầu tư, trong đó lợi nhất là phí vận chuyển.

Chủ tịch UBND huyện miền núi Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh cho biết: Huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng sản xuất; sử dụng cây giống năng suất cao trồng thâm canh, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lâm nghiệp, giá trị dịch vụ môi trường rừng; phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2020 lên 47%, tăng ít nhất 6% so với hiện nay. Diện tích rừng trồng tăng nhanh kết hợp với các loại cây trồng khác, đồng nghĩa với đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc, khoảng cách thu nhập với đồng bằng được rút ngắn, kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, bền vững.

Cùng với ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản trên đà phát triển với sức lan tỏa của phong trào xây dựng nông thôn mới, tuyến quốc lộ 19C được xây dựng từ huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, xuyên qua ba huyện miền núi Phú Yên đến tỉnh Đác Lắc đang tạo động lực, thúc đẩy phát triển toàn diện các địa phương miền sơn cước, trong đó có tỉnh Phú Yên.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35108802-lam-giau-ngay-tren-ruong-ray-nha.html