Làm giàu ở nông thôn: Đút túi hơn 200 triệu/năm từ 500 gốc nhãn

Nhờ chuyển đổi cây ngô, cây lúa kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng 500 gốc nhãn, mỗi năm, 'đều như vắt chanh' lão nông Đoàn Văn Tưởng, bản Quyết Tiến (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) bỏ túi hơn 200 triệu đồng.

Do canh tác cây ngô, cây lúa nhiều năm trên mảnh đất khoảng 4ha đằng sau nhà nên đất đai đã bạc màu, năng xuất thấp, không còn đáp ứng được sinh kế cho gia đình. Năm 2009, sau khi thu hoạch lúa, ngô xong, ông Tưởng cùng gia đình mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trên sang trồng 500 gốc ta (nhãn truyền thống).

Theo lời ông Tưởng, từ khi nhãn ghép cho thu hoạch, gia đình đã có của ăn của để

Ông Tưởng nhận thấy giống nhãn địa phương trồng khá vất vả mà năng suất không cao. May mắn đến với ông Tưởng khi năm 2012, Viện rau quả dưới Hà Nội lên Sông Mã làm mô hình điểm ghép nhãn Miền để cải tạo giống nhãn ta cho năng suất, chất lượng không cao. Giống nhãn địa phương 500 gốc của ông Tưởng được Viện rau quả áp dụng kỹ thuật cấy mắt ghép giống nhãn Miền vào thân để làm mô hình điểm.

Nhãn Miền cho hiệu quả gấp 10 đến 15 so với trồng ngô, lúa

“Trên cùng một diện tích khoảng 4ha, 500 gốc nhãn của nhà khi được ghép nhãn Miền vào cho hiệu quả kinh tế gấp 10 đến 15 lần so với cây ngô, cây lúa trước đây trồng trên mảnh đất này” – ông Đoàn Quốc Tưởng, tự tin chia sẻ.

Giống nhãn Miền này không chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bà con mà sau dăm năm, nhiều hộ nghèo đã phất lên thành hộ giàu

Theo ông Tưởng, muốn nhãn sinh trưởng và phát triển tốt thì khi thu hoạch xong mình phải tỉa, dọn bớt các cành bị lấp, kín cho quang đi. Tỉa như vậy để cây nhận được ánh sáng và các chất dinh dưỡng chỉ dồn sức, tập trung vào các cành chỉ lực phát triển thì vụ sau mới cho năng suất cao.

“Cây cũng như con người vậy. Sau khi tỉa cành xong phải cho cây “ăn” phân đầy đủ như NPK đầu trâu 13-13, 16-16. Phun thuốc theo định kỳ do nhãn thường bị sâu cuốn lá, dẹt. Định kỳ 1 tháng phun một lần, khi vào mùa cây ra hoa, quả 1 tháng phun 2 lần. Để tránh ảnh hưởng đến chất lượng quả nên phun cách 1,5 tháng trước khi nhãn chín” – ông Tưởng, tiết lộ.

“Mỗi gốc nhãn tôi trồng cách nhau từ 7 – 8m. Đến nay, toàn bộ thân 500 gốc nhãn của nhà được ghép nhãn Miền đã cho “trái ngọt” được 3 – 4 năm. Năng suất năm 2017 vừa rồi đạt 12 tấn quả tươi, trừ tất cả chi phí gia đình cũng lãi 220 triệu đồng tiêu xài. Loại nhãn ghép Miền này dễ trồng, dễ chăm sóc, có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn vào dịu ngọt, thanh mát, được nhiều người ưa chuộng” – ông Đoàn Văn Tưởng, phấn khởi nói.

Sùng Thiên Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/lam-giau-o-nong-thon-dut-tui-hon-200-trieu-nam-tu-500-goc-nhan-874918.html