Làm giàu ở nông thôn: Tuấn cầu Nề và trang trại nuôi toàn cá 'khủng'

Ở Thái Bình, để mua 1 con cá trắm đen nặng trên 15kg hoặc 1 con cá chép nặng từ 7 - 10kg thì tìm đã khó nhưng nếu tìm một lúc muốn mua cả chục con mỗi loại thì chỉ có đến Tuấn cá cầu Nề. Đó là anh Ngô Văn Tuấn, xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Còn nhớ, một ngày giáp tết Nguyên đán Mậu Tuất, mặc dù không hẹn trước nhưng gần như cùng lúc 2 chiếc xe con mang biển số Hà Nội và Quảng Ninh đều đến trang trại của Tuấn cá. Hai ông chủ xe bước xuống và đều đặt mua 1 con cá trắm đen khoảng 15kg. Rất tiếc mẻ lưới nhà anh Tuấn kéo lên lúc đó chỉ có 1 con trên 15kg thế là 2 vị khách không ai nhường ai đều muốn con cá là của mình, cuộc phân giải không có hồi kết, bắt buộc anh Tuấn phải tung mẻ lưới khác và cuối cùng thì cả 2 đều toại nguyện.

Để mua 1 con cá trắm đen nặng trên 15kg hoặc 1 con cá chép nặng từ 7 - 10kg thì tìm đã khó nhưng nếu tìm một lúc cả chục con mỗi loại thì chỉ có đến Tuấn cá cầu Nề. Có lẽ vì lý do đó mà đã nhiều năm nay dân buôn cá không chỉ ở Thái Bình mà ở khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh rồi các tỉnh miền núi phía Bắc hay miền Trung đều gọi anh Tuấn là Tuấn cá. Họ luôn biết rằng cá thì ở đâu chả có nhưng để có ngay những con cá to, cá ngon, cá khỏe thì gần như chỉ có một địa chỉ.

Khác với nhiều người khác, con đường thành đạt của Ngô Văn Tuấn khá vất vả, hơn 10 tuổi anh đã phải là lao động chính trong gia đình, vừa làm để nuôi mình lại còn phải nuôi mẹ già và người chị thần kinh không được ổn định. Nhà Tuấn lúc đó nằm ven quốc lộ 10 bên bờ sông Paris lối đi ra Tân Đệ. Đây chỉ là những dãy nhà tạm của người dân thị xã sơ tán tránh bom Mỹ. Chính con sông Paris là nơi Tuấn khởi nghiệp với nghề chài lưới, chỉ với chiếc thuyền nhỏ gò bằng vỏ thùng phi đựng nhựa đường, Tuấn nửa ngày đi học, nửa ngày dùng thuyền và vài tay lưới làm kế sinh nhai. Nhìn con thuyền nhỏ lướt trên dòng sông trong xanh và những con cá bị mắc lưới nhiều người đã gọi Tuấn là Tuấn cá.

Cùng với thời gian từ một cậu thiếu niên chuyên chài lưới ven sông, Tuấn đã dần trở thành chủ của nhiều chiếc ao rồi đến chủ của những khu đầm nuôi cá nước ngọt, nước lợ. Từ bắt cá tự nhiên trên sông, anh chuyển sang nuôi cá và kinh doanh cá theo yêu cầu của các bạn hàng trong tỉnh, rồi khi “tiếng lành đồn xa” việc mua bán cá cũng lan nhanh ra các tỉnh, thành phố nơi mà người dân có nhu cầu.

Tuấn cá cầu Nề giới thiệu một con cá trắm cỏ mã đẹp, hấp dẫn được nuôi trong ao, hồ của gia đình.

Khi tỉnh Thái Bình có chủ trương mở rộng quốc lộ 10, những gia đình sống ven sông Paris được chuyển về sống ở khu vực cầu Nề và cái tên “Tuấn cá cầu Nề” cũng cùng anh gắn bó luôn với vùng đất mới này. Các cụ xưa đã tổng kết “nhất nghệ tinh - nhất thân vinh”. Còn với Ngô Văn Tuấn anh bảo làm nghề thì dễ nhưng giỏi nghề thì khó, trong nuôi cá cũng vậy để có được những con cá to, khỏe thì người nuôi phải nắm được địa hình nguồn nước, rồi đặc tính, tâm lý của từng loại cá, từng giống cá chọn thời điểm từ lúc cho cá đẻ gây thả cá bột, cá giống đến quá trình nuôi cá thịt.

Thậm chí người nuôi cá phải chọn cả thời điểm cho cá ăn sao cho phù hợp để tiết kiệm được nhiều thức ăn nhất mà cá vẫn không bị đói, môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm. Có vậy mới tránh được dịch bệnh cho cá và có được đàn cá khỏe, cá ngon.

Trò chuyện với Tuấn, tôi hỏi nuôi cá có độc quyền không. Anh cười và bảo: Tôi bây giờ làm gì có gì là độc quyền, các cụ đã dạy “buôn có bạn, bán có phường” nên để nghề nuôi và kinh doanh cá phát triển được thì phải có nhiều người cùng làm, người nọ hỗ trợ người kia, khi là giống, vốn, khi thì kinh nghiệm có thế mới cùng nhau phát triển được.

Thế rồi Tuấn kể cho tôi nghe về những năm tháng làm ăn khó khăn anh phải nhận sự trợ giúp của bạn bè, ngược lại cũng nhiều người được anh giúp vốn, giúp cá giống rồi bày cách làm ăn, họ đã nhanh chóng trở thành triệu phú nhờ nuôi cá.

Tôi lại hỏi Tuấn giúp con giống, giúp vốn, giúp cả kỹ thuật cho họ thế không sợ khi họ thành công rồi thì sẽ chiếm lĩnh mất thị trường của mình hay sao. Anh bảo: Trong làm ăn trên thương trường chuyện đó là không tránh khỏi, nhưng những người sống như thế sẽ không được bền lâu “vì trái đất hình tròn” nên sớm muộn thì mọi người cũng biết hết.

Theo anh Tuấn, muốn làm ăn lớn trước tiên phải thật thà, có thật thà thì mới có bạn và nhất định phải có sự liên kết, liên kết chính là sức mạnh tạo nên thành công không chỉ của Tuấn mà của cả nhiều bạn bè, đồng đội của anh.

Để lại nhà cao cửa rộng ở thành phố, rủ vợ về nông thôn để tìm cách làm giàu, Ngô Văn Tuấn đã cùng với gia đình và các cộng sự của mình làm cho vùng đất bãi rộng trên 5ha của xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy vốn hoang sơ trở thành vùng nuôi trồng thủy sản nổi tiếng ở Thái Bình.

Theo Tuấn Dung (Báo Thái Bình)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/lam-giau-o-nong-thon-tuan-cau-ne-va-trang-trai-nuoi-toan-ca-khung-889720.html