Làm giàu trên 'lưng' người trồng lúa

Kỳ 1: Nghịch cảnh trên những cánh đồng lúa

Vật tư nông nghiệp tăng cả về lượng, giá trị

Đối với người trồng lúa, vật tư nông nghiệp đầu vào có ba thứ quan trọng nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bên cạnh đó là nhân công trực tiếp trên đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây cả bốn thứ này đều tăng cả về số lượng, chủng loại, giá cả và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN), đại lý tham gia hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực này.

Trong đó, phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Hiện nhu cầu sử dụng phân bón khoảng 11 triệu tấn các loại/năm, tăng trưởng khoảng 4%/năm. Một kết quả nghiên cứu cho thấy, cây lúa chiếm khoảng 65% về nhu cầu phân bón trong các loại cây trồng. Đến thời điểm hiện tại cả nước có khoảng 7.800 DN, đại lý nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó có 6.805 DN, hộ kinh doanh cá thể, đại lý kinh doanh phân bón.

Nói về thị trường phân bón trong thời gian vừa qua, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng: “Những năm gần đây thị trường phân bón đang bị buông lỏng quản lý, nhất là việc kiểm soát về số lượng sản phẩm, chất lượng phân bón”. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, số lượng các sản phẩm phân bón được hợp quy đang tăng rất mạnh, sau tám tháng, tính đến thời điểm hiện tại (sau khi tiếp nhận bàn giao từ Bộ Công thương từ tháng 1-2017) số lượng sản phẩm phân bón hợp quy tăng lên 14.174 sản phẩm, gấp 2,5 lần, trong đó phân bón vô cơ tăng 7.748 sản phẩm, phân bón hữu cơ và phân bón khác tăng 374 sản phẩm.

Ông Hoàng Trung cho biết, đến thời điểm giữa tháng 10-2017, số lượng sản phẩm được hợp quy đã tăng lên khoảng gần 20 nghìn sản phẩm. Trên thực tế, lượng phân bón nhập khẩu và giá thị trường phân bón tiếp tục có xu hướng tăng. Tại thời điểm này giá phân ure trung bình từ 5.500 đồng đến 6.500 đồng/kg, tăng từ 300 đến 500 đồng so cùng kỳ 2016. Đồng thời trong bảy tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 549.441 tấn phân bón, có giá trị 153,6 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 27,9% về giá trị.

Đối với thị trường vật tư nông nghiệp thì trong những năm gần đây, giá phân bón luôn trong tình trạng biến động mạnh, “miếng bánh” được đánh giá là “ngon” nhất lại thuộc về thị trường thuốc bảo vệ thực vật để các DN khai thác. Bên cạnh đó, trong khoảng mười năm trở lại đây, giá của các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhu cầu, quy mô hoạt động của ngành đều theo chiều hướng tăng dần đều. Ngay như thời điểm năm 2008-2009 nhu cầu cả nước khoảng 50 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm, giá trị khoảng 500 triệu USD. Nhưng hiện giờ, nhu cầu sử dụng khoảng từ 70 đến 100 nghìn tấn, với giá trị khoảng 800 triệu USD. Quy mô hoạt động của các DN tăng cả về số lượng, doanh thu hoạt động…

Hiện cả nước có hơn 200 DN sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, với gần 100 nhà máy chế biến thuốc, cùng khoảng 30 nghìn đại lý. Sản xuất trong nước chế biến được khoảng 50% lượng chế phẩm, phần còn lại nhập từ nước ngoài và phụ thuộc chính vào thị trường thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, trong năm tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu khoảng 400 triệu USD, tăng 41,1% so cùng kỳ, trong đó thuốc sâu nhập từ thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 53,4%. Chiếm lĩnh thị phần lớn là các DN đều có sức tăng trưởng lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Khử trùng Việt Nam, Công ty CP Nông dược…

Chi phí thuốc bảo vệ thực vật đang là gánh nặng đối với người trồng lúa tại ĐBSCL.

Chi phí thuốc bảo vệ thực vật đang là gánh nặng đối với người trồng lúa tại ĐBSCL.

Diện tích trồng lúa ngày càng “teo tóp”

Trái ngược với bức tranh sáng của ngành vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thì người nông dân trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng bỏ hoang hóa ruộng đồng hoặc người nông dân trong độ tuổi lao động đi làm công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất tại các thành phố lớn ngày càng phổ biến.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được coi là “vựa lúa” của cả nước, giờ đây các địa phương đang tìm cách giảm diện tích trồng lúa chuyển sang trồng các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân chính là việc trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn về thời tiết, năng suất lúa không tăng, thị trường thiếu ổn định và đặc biệt là chi phí đầu vào ngày càng tăng khiến cho lợi nhuận từ trồng lúa ngày càng thấp, không bảo đảm cuộc sống. Ngay Đồng Tháp, một trong những tỉnh đi đầu của vùng ĐBSCL về lúa, trong nhiều năm qua lúa gieo sạ luôn có chiều hướng giảm cả về diện tích lẫn năng suất. Trong đó, vụ đông xuân 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gieo xạ được 207 nghìn ha lúa, năng suất bình quân đạt 5,68 tấn/ha, giảm 0,53 tấn/ha so vụ đông xuân 2015 - 2016; sản lượng ước đạt 1,175 triệu tấn, giảm gần 100 nghìn tấn và giảm so với kế hoạch khoảng 288 nghìn tấn lúa. Vụ lúa thu đông vừa qua toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ gieo sạ được khoảng 138 nghìn ha, giảm 10 nghìn ha so với năm 2016. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết: “Diện tích lúa giảm dần là chủ trương của tỉnh, bởi diện tích lúa ba vụ đang không mang lại năng suất cao, chi phí đầu vào luôn cao hơn, do đó, định hướng cho người dân chuyển dần từ lúa sang trồng màu và về lâu dài sẽ giảm diện tích trồng lúa”.

Thực tế, người trồng lúa tại ĐBSCL đang phải “đánh vật” với thực trạng chi phí đầu vào năm sau luôn tăng hơn năm trước. Nói về điều này, ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “So năm 2010, đến nay chi phí vật tư đầu vào như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa tăng khoảng 20%, trong đó tập trung chính ở những diện tích lúa trồng ba vụ. Riêng về phân bón trước đây, vụ hè thu chỉ khoảng 500 kg/ha nhưng giờ đây phải 700 kg/ha”. Theo ông Lý, vấn đề nằm ở chỗ, chi phí đầu vào tăng cao nhưng năng suất lúa ngày càng giảm bởi biến đổi khí hậu và điều quan trọng nhất là năng suất lúa đã ở mức đụng trần, khó có thể tăng thêm.

Trong khi đó, tại Bến Tre hai năm trở lại đây, đã có chủ trương cắt giảm diện tích trồng lúa với hình thức tuyên truyền vận động người dân dần bỏ vụ ba để chuyển đổi sang trồng màu hoặc nuôi trồng thủy sản. Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: “Trước đây huyện có khoảng 2.600 ha trồng lúa nhưng giờ giảm xuống còn khoảng 2.000 ha. Trong đó, không khuyến khích người dân trồng vụ ba và dần sẽ bỏ vụ ba. Ở thời điểm hiện tại, người dân trồng vụ ba chủ yếu là lấy rơm cho bò”. Thực tế, trên địa bàn huyện Giồng Trôm người dân trồng lúa đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu trầm trọng lao động vào mùa thu hoạch. Do thiếu lao động, nên ngoài phần chi phí vật tư tăng cao thì giá thuê nhân công khi vào vụ cũng tăng gấp 1,5 lần so ngày thường. Theo tính toán của ông Nguyễn Bé Mười, ấp Bình Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Giồng Trôm, với việc tăng chi phí như hiện nay, chỉ có hộ nào có lao động trực tiếp và ruộng của gia đình thì mới có thể tồn tại được, bởi họ lấy công làm lãi. Đối với trường hợp đi thuê đồng, mướn nhân công thì lỗ chắc.

Hiện gia đình ông Bé Mười có tổng cộng 13 công đất (1,3 ha) trồng lúa, ngoài lao động của gia đình thì từ đầu năm nay ông đã áp dụng chương trình trồng lúa thông minh với việc giảm lúa giống gieo sạ chỉ khoảng 100 kg/ha nên đã giảm được nhiều khoản chi phí như giống, phân, số lượt xịt thuốc và bước đầu cho được mức thu nhập ổn định hơn từ cây lúa.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/34586502-lam-giau-tren-%E2%80%9Clung%E2%80%9D-nguoi-trong-lua.html