Làm giàu trên vùng đất biên cương

Phong trào nông dân làm kinh tế giỏi được Hội Nông dân huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị chú trọng triển khai, thực hiện. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình trên vùng biên cương biết khai thác lợi thế thổ nhưỡng, vùng miền vươn lên làm kinh tế giỏi.

Ông Hồ Văn Lập là tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu ở xã Ba Nang. Ảnh: Phương thiện

Sau những năm tháng tham gia quân ngũ ở chiến trường Lào, ông Hồ Văn Lập, ở thôn Ba Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị trở về quê hương sinh sống. Năm 1978, ông lập gia đình, lúc đó cuộc sống vất vả, thiếu thốn, nghèo đói cứ đeo đẳng quanh năm.

Trăn trở nghĩ cách làm kinh tế gia đình, ông Lập đã tận dụng diện tích đất và ao gần nhà để gây dựng mô hình kinh tế trang trại. Năm 1980, ông Lập tận dụng vùng ao gần ruộng lúa bên khe suối, đắp bờ làm 2 ao nuôi cá nước ngọt với diện tích 3 sào. Để có nước thường xuyên, tránh khô cạn vào mùa hè, ông dẫn nước từ trên núi về. Mỗi năm, ông nuôi 2 lứa, mỗi lứa trên 6.500 con, gồm cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi... Nhờ được dự các lớp tập huấn chăn nuôi do Hội Nông dân xã Ba Nang tổ chức, ông Lập tích lũy thêm kiến thức chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Cùng với nuôi cá, ông Lập còn khai hoang đất làm ruộng lúa nước gần 1ha, trồng 4ha sắn, chăn nuôi gà, lợn... Theo thời gian, quy mô trang trại vườn, ao, chuồng của ông ngày càng được mở rộng, ông đầu tư tiền để chăn nuôi thêm dê, trâu, bò. Đàn trâu của ông lên đến 15 con. Mô hình kinh tế trên mang lại cho gia đình ông Lập thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi năm. Đối với vùng núi, nguồn thu nhập như thế này là khá lớn. Nhờ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Lập đã mua sắm các vật dụng khá đầy đủ, có ti vi, xe máy...

Chia sẻ về hành trình làm giàu trên mảnh đất biên cương, ông Lập vui vẻ bộc lộ: “Miềng phải biết khai thác thế mạnh thổ nhưỡng vùng rừng núi. Quá trình làm phải chịu khó, tìm tòi, học hỏi, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt”. Đến nay, ông Lập đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Ba Nang. Bà con thôn bản đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ ông. Tấm gương của ông đã tiếp thêm nghị lực cho những nông dân khác, cùng thi đua, sản xuất, vượt nghèo, làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Đến thôn Ra Poong, xã Ba Nang giữa mùa hè oi bức, tôi được tận hưởng không khí mát rượi dưới tán rừng trồng của gia đình ông Pả Dừn. Từ hai bàn tay trắng, ông Pả Dừn đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình kinh tế tổng hợp trồng rừng và chăn nuôi.

Năm 1986, ông Pả Dừn lập gia đình với món quà hồi môn là vài mảnh ruộng nhỏ. Nghèo khó cứ đeo bám gia đình ông bởi không có vốn sản xuất. Với ý chí vươn lên, năm 2002, ông Pả Dừn mạnh dạn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Ông được Hội Nông dân xã Ba Nang và huyện Đakrông hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tràm, bời lời. Vụ thu hoạch đầu tiên, với 2ha trồng rừng, gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng.

Nhận thấy trồng rừng có tiềm năng và cho thu hoạch khá ổn định, ông tiếp tục trồng rừng các vụ tiếp theo, đồng thời mở rộng đất trồng rừng. Ông còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi bò, dê... Từ trồng rừng, ông tích lũy được nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi bò. Lúc đầu, gia đình ông nuôi 2 con bò sinh sản, đến nay, đàn bò của gia đình ông lên đến 15 con, 8 con trâu và đàn dê gần 20 con, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Pả Dừn không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, hỗ trợ bà con trong thôn bản như cho mượn vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...

Từ gương sản xuất, chăn nuôi của ông Hồ Văn Lập và ông Pả Dừn, bà con ở xã Ba Nang đã cùng nhau làm kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước. Với việc lựa chọn các mô hình kinh tế hợp lý, nhiều gia đình trong xã Ba Nang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bà con trong bản chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc hơn.

Ông Pả Dừn chia sẻ: “Tôi mong muốn bà con trong thôn xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ kết quả làm kinh tế của gia đình, tôi thấy rằng, nếu chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế thì bà con có thể tận dụng đất đồi để trồng sắn, trồng rừng, chăn nuôi, từ đó có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình”.

Phương Thiện

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lam-giau-tren-vung-dat-bien-cuong-post429584.html