Làm giàu từ bò sữa với tinh thần dám nghĩ dám làm

Khai thác thế mạnh nông nghiệp của quê nhà Hà Nam, chị Trần Thị Thanh Thoan bắt tay khởi nghiệp với trang trại chăn nuôi bò sữa và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phầm từ sữa. Thương hiệu Hanamilk của chị đang từng bước thành công trên con đường xây dựng thương hiệu sữa Hà Nam bền vững.

Xuất thân từ một gia đình nông nghiệp, Trần Thị Thanh Thoan có ước mơ xây dựng một mô hình trang trại bò sữa tự cung, tự cấp các sản phẩm thiết yếu hằng ngày cho gia đình mình. Chị nhận thấy nghề chăn nuôi bò sữa tại địa phương rất phát triển, giúp cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển của thị trường sữa tại Việt Nam là rất lớn, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu tăng khoảng 61%, từ 500 triệu lít năm 2010 lên đến 805 triệu lít năm 2015. Từ thực tế đó, chị Thoan quyết định lập nghiệp tại quê nhà với nghề chăn nuôi bò sữa. Sau 1 năm, trang trại của chị có 30 con bò khai thác sữa, sản lượng đạt khoảng 700kg/ngày, mang lại khoản thu nhập khoảng 100 triệu/tháng cho gia đình.

Chị Trần Thị Thanh Thoan khởi nghiệp với thế mạnh chăn nuôi bò sữa của Hà Nam

Chị Trần Thị Thanh Thoan khởi nghiệp với thế mạnh chăn nuôi bò sữa của Hà Nam

Sau những thành công bước đầu, chị Thoan bắt đầu lên kế hoạch dùng chính nguồn sữa tươi của gia đình mình để chế biến các sản phẩm mang thương hiệu của Hà Nam, cung cấp cho chính thị trường trong tỉnh, sau đó mở rộng ra quy mô toàn quốc. Năm 2014, Công ty Cổ phần sữa Hà Nam (Hanamilk) ra đời, trang trại mẫu được xây dựng tại thôn Yên Hòa, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích 7ha, trong đó có chuồng trại, sân chơi cho bò, diện tích trồng cỏ và ngô. Công ty cung cấp cho thị trường những sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ nguồn sữa tươi thanh trùng như: sữa tươi, sữa chua, các loại bánh kẹo từ sữa …

Chị Thoan cho biết: “Hanamilk ra đời với mong muốn đưa người dân trong cả nước biết đến vùng chăn nuôi bò sữa với nguồn sữa tươi chất lượng cao và quy trình chăn nuôi được kiểm soát”.

Trang trại Hanamilk áp dụng tiến bộ công nghệ để đảm bảo đầu ra là sữa sạch

Không ngừng cải tiến về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đến đầu năm 2018, sau nhiều năm học hỏi về kinh nghiêm nuôi bò sữa của các chuyên gia trong và ngoài nước, chị Thoan đã nghiên cứu thành công quy trình chăn nuôi bò sữa sạch. Trong đó các loại thức ăn cho bò đều được kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chí đảm bảo an toàn và vệ sinh.

Sau khi áp dụng thành công quy trình chăn nuôi bò sữa theo hướng thức ăn có kiểm soát, chị Thoan sẽ hướng dẫn, chuyển giao lại cho các hộ dân khác nhằm cải thiện chất lượng sữa nguyên liệu của các hộ dân, hỗ trợ tăng thu nhập và phát triển nghề chăn nuôi bò sữa ngày càng bền vững hơn. “Mong muốn của tôi là có thể tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân quê tôi và quảng bá sản phẩm của công ty, để sản phẩm sữa Hà Nam ngày càng được nhiều người biết đến” – chị Thoan chia sẻ. Từ số lượng công nhân ban đầu duy trì dưới 10 người với mức lương trung bình 3,5 triệu/người/tháng, đến 2 năm gần đây số lượng công nhân lên đến hơn 30 người vào những lúc cao điểm của mùa nắng nóng với mức lương trung bình là 5,8 triệu/người/tháng.

Chị Thoan đã hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ tại đại phương

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Trần Thị Thanh Thoan đã đưa thương hiệu sữa Hanamilk có chỗ đứng nhất định không chỉ tại thị trường trong tỉnh mà còn phổ biến rộng rài đến tỉnh ngoài. Đặc biệt, với sự hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm và người tiêu dùng của Hội LHPN tỉnh Hà Nam, Hanamilk đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị chung cư tại Hà Nội và cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Xác định việc tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu then chốt, bám sát Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” của Chính phủ, các cấp Hội LHPN đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ, gắn với việc kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Có thể nói, phong trào đồng hành cùng phụ nữ đã khơi nguồn sáng tạo cho chị em phụ nữ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho rất nhiều điển hình như chị Trần Thị Thanh Thoan, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Ngay tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình, chị Thoan cũng triển khai hỗ trợ đối tượng lao động nữ một cách tối đa. 80% người lao động tại Hanamilk là nữ giới, góp phần giải quyết tình trạng lực lượng lao động nữ trung niên có nguy cơ cao mất việc, không có việc làm.

Trong tương lai Hanamilk hướng đến mở rộng các trang trại liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi sản xuất và mở rộng quy mô thị trường, để nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn sữa sạch an toàn cho sức khỏe.

Ngọc Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-giau-tu-bo-sua-voi-tinh-than-dam-nghi-dam-lam-110094.html