Làm giàu từ phôi nấm

Với mong muốn giản dị làm phôi nấm để phát triển nghề trồng nấm truyền thống của gia đình, Bùi Minh Thắng đã không ngại học hỏi, nghiên cứu, vượt qua thất bại để biến ước mơ thành hiện thực, làm giàu cho bản thân và gia đình ngay trên mảnh đất quê hương Củ Chi.

Tuổi trẻ - Lối sống

Anh Bùi Minh Thắng và sản phẩm từ trang trại của mình.

Anh Bùi Minh Thắng và sản phẩm từ trang trại của mình.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Minh Thắng quyết định gác kế hoạch du học tại Nhật Bản để cùng phụ giúp gia đình phát triển nghề truyền thống trồng nấm. Bắt tay vào việc, Thắng rong ruổi khắp xã Hòa Phú, huyện Củ Chi nơi mình sinh sống cũng như địa bàn lân cận để tìm hiểu những mô hình trồng nấm của nông dân. Từ đây, Thắng bắt đầu phân tích, tìm nguyên nhân vì sao gia đình trồng nấm gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ và lệ thuộc nguồn giống từ các địa phương khác, rất nhiều rủi ro. Thế là, Thắng miệt mài nghiên cứu từ sách, tham khảo các trang mạng khoa học những phương pháp làm phôi nấm ở Thái-lan, hay một số nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm giống như TP Hồ Chí Minh để cho ra "công thức" làm phôi hiệu quả, thích hợp. Dù gia đình ngăn cản, vì e ngại quyết định của Thắng là mạo hiểm, nhưng Thắng không lùi bước.

Ðầu năm 2015, Thắng sử dụng số tiền 300 triệu đồng vay của người thân và một phần tiền từ gia đình tích cóp mua sắm máy móc, đưa quy trình sản xuất phôi nấm vào vận hành ngay trên mảnh đất của gia đình. Tháng 4-2016, Thắng bước đầu cho ra đời lô phôi đầu tiên. Thắng chia sẻ: "Quan trọng của làm phôi là phải có meo giống. Ban đầu, tôi làm meo bằng thân cây mì như phương pháp truyền thống. Dần dần tôi nhận thấy, nếu thay thân mì bằng hạt lúa thì vừa chủ động được nguồn nguyên liệu mà phôi chất lượng hơn, cho nên tôi dùng hạt lúa từ đó đến giờ". Cứ như vậy, mỗi lần vấp ngã là mỗi lần Minh Thắng đúc kết thêm kinh nghiệm để tạo ra một quy trình sản xuất phôi nấm chuẩn nhất. Không chỉ trăn trở, tìm tòi công nghệ làm phôi, Thắng còn xoay xở nguồn vốn để đầu tư máy móc, xây dựng trang trại mở rộng sản xuất, bởi trại nấm sẽ không thể phát triển nếu không đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh các nguồn quỹ do Huyện đoàn Củ Chi giới thiệu, Thắng đã quyết định vay 600 triệu đồng tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tăng dần diện tích nhà trại từ 100 m2 lên 700 m2 và hiện tại là gần 7.000 m2. Ngoài ra, Thắng mạnh dạn đầu tư thêm nhiều trang, thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nấm như: thay thế lò đốt củi trực tiếp bằng lò hơi, góp phần giảm chi phí vận hành, giảm khí thải vào môi trường, sử dụng máy phun sương, máy tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, lò hấp phôi, lò áp suất, giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm nhà trại, tạo môi trường tốt nhất cho cây nấm phát triển…

Ðược sự quan tâm hỗ trợ tích cực của chính quyền, đoàn thể địa phương, cuối năm 2016, quy trình sản xuất nấm của Thắng hoàn thiện, đạt kết quả tốt. Hiện nay, mỗi ngày Trang trại Nấm 10 Sài Gòn của Thắng nuôi cấy phôi nấm với khoảng 10 giống nấm (diện tích 120 m2/khu), cho ra lò khoảng 6.000 túi phôi, tỷ lệ phôi hỏng ban đầu giảm từ 5% xuống còn 3%/1.000 phôi (đây là tỷ lệ thấp nhất đối với nghề trồng nấm hiện nay). Tương đương, mỗi tháng xuất ra thị trường từ 180 đến 200 nghìn túi phôi. Trừ hết chi phí, mỗi tháng trại nấm của Thắng và gia đình thu nhập từ 100 đến 130 triệu đồng. Cơ sở sản xuất phôi nấm của Thắng còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Thắng tự hào cho biết: Với số lượng khoảng 6.000 phôi nấm cung ứng ra thị trường mỗi ngày, giờ đây phôi nấm của Trang trại Nấm 10 Sài Gòn không chỉ tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, mà còn cung cấp cho khách hàng ở các tỉnh miền tây, miền trung, Tây Nguyên. Ðầu năm 2017, Thắng nghiên cứu và sử dụng giống của Nhật Bản để trồng nấm linh chi, một loại nấm dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Thắng vui mừng cho biết: Dù thất bại trong thời gian đầu do yếu tố khí hậu, nhưng một năm qua, quy trình trồng nấm linh chi Nhật Bản đã bước đầu ổn định. Hiện mỗi năm Trang trại Nấm 10 Sài Gòn cung cấp cho thị trường hai tấn nấm linh chi Nhật Bản (giá thành một triệu đồng/kg). Thắng cũng đang tích cực mở rộng diện tích trồng nấm linh chi, vì sản phẩm này được thị trường ưa chuộng.

Mở hình ảnh trang web bán nấm sạch online của Trang trại nấm 10 Sài Gòn, Thắng tự hào khi đã lập được hai cửa hàng bán lẻ trưng bày sản phẩm và giao hàng đến tận nhà khách hàng theo yêu cầu. "Nấm là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Vì vậy, tôi phải làm sao để sản phẩm nấm sạch có thể đến tận tay mọi người, kể cả người có thu nhập thấp", Thắng chia sẻ. Khát khao học hỏi, tìm tòi để tiếp tục ứng dụng phương pháp và công nghệ mới trong quy trình sản xuất phôi nấm và trồng nấm vẫn đang từng ngày thôi thúc chàng thanh niên nông thôn tiếp tục hành trình của mình. Ðó chính là động lực để mỗi công dân thành phố mang tên Bác sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Với sự nỗ lực không ngừng, ham học hỏi công nghệ, tích cực làm kinh tế nông thôn, Bùi Minh Thắng đạt Giải thưởng Lương Ðịnh Của của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2017; Bằng khen của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, với thành tích "Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi năm 2017"; được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tuyên dương là một trong 10 gương Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2017.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37700702-lam-giau-tu-phoi-nam.html