Làm giàu từ vật phẩm tiến vua

Sinh ra từ vùng quê thuần nông của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, sau mấy chục năm gắn với binh nghiệp, khi trở về quê hương chỉ với hai bàn tay trắng, anh Lê Hồng Thái (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã vươn lên làm giàu bằng việc chăn nuôi và gây giống một vật phẩm nổi tiếng của địa phương đang có nguy cơ thất truyền.

Anh Thái bên 2 con gà bố mẹ thuần chủng.

Trở về Đông Tảo vào một buổi sáng cuối năm 2016, mặc dù đã có hệ thống giao thông thuận tiện nhưng tôi vẫn muốn trải nghiệm con đường đê của sông Hồng quen thuộc ngày nào. Giờ này sông Hồng lặng lẽ chảy, không còn thấy cảnh dòng nước hung dữ cuồn cuộn vào những ngày nước lũ, nhấn chìm những bãi cát hai bên bờ. Hết mùa lũ, đôi bờ lại hiện ra những bãi phù sa màu mỡ. Mùa này ngô ở những bãi bồi đang lên xanh tốt, những cánh đồng ngô xanh ngút chạy dài báo hiệu một mùa màng bội thu.

Đông Tảo hơn chục năm trở lại đây thay da đổi thịt rất nhiều, nhà cao tầng mọc lên san sát trên con đường liên xã, cuộc sống của người dân nơi đây từng bước được cải thiện và nâng cao do sự cần cù chịu khó lao động sản xuất, làm ăn, một phần nữa cũng chính là người dân nơi đây đã biết đưa giá trị của một phẩm vật tiến vua xưa trở thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng với giống gà quý mang tên địa danh, gà Đông Tảo.

Anh Thái cho biết, giống gà quý này có từ lâu đời, do các cụ để lại, lúc đầu chỉ biết chăn nuôi để sử dụng cho cuộc sống hàng ngày. Đây là giống gà đặc biệt và quý hiếm nên được liệt vào là những vật phẩm để tiến vua ngày xưa.

Xa quê hương để gắn bó với đời binh nghiệp, anh Thái có hơn 20 năm làm công nhân quốc phòng của Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng cộng với một gia đình nhỏ, cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng vất vả, đã thế con lớn của anh chị khi sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, hai chân không thể đứng lên và đi lại như người bình thường, có bao nhiêu tiền tích cóp được từ khi còn là công nhân quốc phòng, anh chị đều dồn hết vào việc lo thuốc thang, chạy chữa cho con, nhưng mọi cố gắng đều không thu được kết quả.

Nhận thấy việc ở lại trong quân ngũ với đồng lương eo hẹp không thể giúp anh chị xây dựng kinh tế gia đình, năm 1995, cả hai quyết định về quê hương sinh sống.

Anh Thái chia sẻ, về đến quê khi bố mẹ đã già yếu, anh em lại đông, điều kiện kinh tế của gia đình và anh chị em quá khó khăn nên không thể giúp đỡ được nhiều. Sau nhiều đêm trăn trở, với bản lĩnh của một người lính quyết tâm vượt mọi khó khăn để thoát nghèo, anh đã tìm cho mình một con đường làm giàu mà lúc đó chưa ai ở quê anh nghĩ tới, đó là nuôi gà Đông Tảo.

Ngày đầu với đồng vốn eo hẹp có được do vay mượn của người thân, anh đi khắp làng trên xóm dưới tìm kiếm và chọn lựa những con gà mang đặc trưng, thuần chủng nhất của giống gà Đông Tảo. Gà được anh lựa chọn phải là gà có mào múi chanh, mào nụ hay mào súp, tai tích, yếm hầu, mình gà trường, hai cánh phải ốp vỏ trai, đuôi tựa đuôi công, chân vảy thịt móng rồng.

Ban đầu, anh chỉ có hơn chục con gà bố mẹ, bằng kinh nghiệm và học hỏi qua sách vở anh đã từng bước gây dựng được một đàn gà với số lượng lên đến hàng trăm con. Những tưởng như thế là thành công nhưng có những lúc anh chị gần như trắng tay vì gà gặp dịch lăn đùng ra chết hàng loạt. Những lúc đó, trong lòng anh chị như có lửa đốt, đứng ngồi không yên. Rồi những ngày bão tố đó cũng qua, nhờ được sự hỗ trợ của thú y trên địa bàn, anh chị đã có biện pháp để điều trị bệnh hiệu quả cho đàn gà của mình.

Đàn gà Đông Tảo giống thuần chủng.

Trời không phụ lòng người, anh Thái đã vượt qua khủng hoảng để giữ gìn và phát triển đàn gà giống thuần chủng của mình, cung cấp cho thị trường gà thành phẩm chất lượng cao. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, anh đã đưa gà đi khắp trong Nam ngoài Bắc vừa để giới thiệu, vừa để nhân giống gà trên những vùng đất mới, đồng thời phát triển luôn thị trường gà mang thương hiệu gà Đông Tảo của quê hương.

Mạnh dạn trong chăn nuôi, thấy việc bảo tồn gen của giống gà quý Đông Tảo quê hương là một trách nhiệm, anh Thái đầu tư một lò ấp trứng công nghiệp với mục đích nâng cao hiệu quả thành công của việc ấp nở, đồng thời lựa chọn được những con gà mang gen thuần chủng ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, anh cũng làm dịch vụ ấp nở cho các gia đình trong xã có nhu cầu ấp trứng.

Nhờ đầu tư nuôi gà Đông Tảo, kinh tế của gia đình anh được cải thiện rõ rệt, từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng khi về quê hương, anh chị đã mua được đất, xây dựng được ngôi nhà hai tầng kiên cố và khang trang, nuôi ba con ăn học.

Những năm 2013-2014, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, những con gà thuần chủng do anh chị nuôi và cung cấp ra thị trường có những con giá lên đến 30-40 triệu đồng nhưng cũng không đủ hàng. Đến nay, thương hiệu gà Đông Tảo vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, vào dịp giáp Tết, gia đình anh nườm nượp người đến đặt hàng.

Anh Thái cho biết, năm 2012, gia đình anh đã vinh dự được UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn để đưa Hoàng tử Nhật Bản về thăm trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo của mình.

Bằng đôi bàn tay và sức lực của chính mình, anh Thái đã đưa hình ảnh và thương hiệu gà Đông Tảo vươn xa.

Một năm mới lại đến với mọi miền, về Đông Tảo những ngày này, tôi cảm nhận được hơi thở của mùa xuân trên những khuôn mặt hồ hởi, vui tươi của những người nông dân đang làm giàu từ những con gà mang thương hiệu Đông Tảo

Phạm Ngọc Thủy

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lam-giau-tu-vat-pham-tien-vua-post3044.html