Làm giấy tờ giả, đi tù thật

Tình trạng làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu của cơ quan, tổ chức Nhà nước ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện với nhiều mục đích khác nhau như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xin việc; để được bổ nhiệm, tăng lương, đi lao động ở nước ngoài... Không chỉ hành vi làm giấy tờ giả mà việc sử dụng giấy tờ giả đều vi phạm pháp luật và gặp rất nhiều rủi ro.

Bị cáo Đỗ Bảo Quốc cùng đồng phạm lãnh án nặng vì dùng giấy tờ giả đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hiện nay, rất dễ dàng tìm mua tất cả các loại giấy tờ giả như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí là các loại bằng cấp… trên các trang mạng xã hội.

* Phát hiện nhiều vụ liên quan giấy tờ giả

Các loại giấy tờ được làm giả rất tinh vi, giống như thật khiến nhiều người chủ quan, lơ là không kiểm tra kỹ trước khi giao dịch nên dễ rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Điển hình nhất là trong thời gian qua, tại Đồng Nai rộ lên tình trạng thuê xe ô tô rồi làm giấy đăng ký xe giả để đem đi cầm cố. Cụ thể, Công an H.Trảng Bom đang tiến hành điều tra một vụ lừa đảo bằng hành vi nêu trên.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử phạt hình sự lên đến 7 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Theo xác minh của Công an H.Trảng Bom, vào cuối tháng 1-2021, anh Thân Văn Cường (ngụ H.Trảng Bom, là chủ doanh nghiệp cho thuê xe tự lái) cho một người tên Phùn Cún Khường (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) thuê chiếc xe Toyota Innova biển số 60A- 623… trong 5 ngày. Tuy nhiên, khi đến hạn thì không thấy khách đem trả xe nên anh Cường đi tìm và phát hiện xe đã bị cầm cố tại một nhà nghỉ tại tỉnh Bình Thuận.

Sau khi vào cuộc điều tra, Công an H.Trảng Bom phát hiện giấy tờ các đối tượng sử dụng thuê xe và cầm cố đều là giả. Thủ đoạn của các đối tượng là lấy giấy tờ của người tên Khường và dán ảnh thật của mình vào rồi đi thuê xe. Sau khi thuê được xe thì lại đi làm giả giấy tờ tên chủ xe Thân Văn Cường và đi cầm xe nơi khác.

Nắm được nhu cầu sử dụng giấy tờ giả, một số đối tượng đã thuê nhà làm cơ sở sản xuất hàng loạt các loại giấy tờ giả. Vào tháng 12-2020, Công an H.Thống Nhất phối hợp cùng Công an tỉnh triệt xóa một cơ sở chuyên sản xuất giấy tờ giả tại xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất). Lực lượng công an đã bắt giữ Đỗ Phi Hồ (25 tuổi) và Đỗ Hồng Phúc (20 tuổi, em trai Hồ, cùng ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) để điều tra về hành vi làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tại đây, lực lượng công an thu giữ gần 750 mẫu con dấu giả bằng nhựa ghi tên của rất nhiều cơ quan chức năng, đơn vị công an, tên của lãnh đạo công an các huyện trong tỉnh, các tỉnh, thành trong cả nước cùng nhiều thiết bị máy móc khác. Mục đích của các đối tượng là làm giả các loại giấy tờ để bán cho người có nhu cầu với giá từ 1,5-5 triệu đồng/giấy.

Trên thực tế, việc làm giả các loại giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ đi lừa đảo sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Điển hình ngày 30-3, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Đỗ Bảo Quốc (38 tuổi, ngụ H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) 20 năm tù; Nguyễn Thị Kim Thanh (43 tuổi, ngụ H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 10 năm tù; Nguyễn Quang Chiến (45 tuổi, ngụ H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, vào tháng 7-2018, Quốc rủ Thanh và Chiến dùng hình ảnh của mình làm giấy tờ giả đi thuê xe ô tô tự lái bán lấy tiền tiêu xài và được cả bọn đồng ý. Sau khi đã có giấy tờ giả, cả 3 đi thuê xe tự lái và bán lại xe được 300 triệu đồng rồi tiêu xài hết. Sau đó, cả bọn bị công an bắt và phải lãnh án nặng.

* Hậu quả khó lường

Đại úy Đặng Văn Thế, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy Công an H.Thống Nhất cho biết, hiện nay thủ đoạn làm giả giấy tờ của các đối tượng rất tinh vi. Đối tượng sử dụng máy tính làm công cụ và thiết lập các kỹ thuật vi tính, công nghệ cao để làm các giấy tờ giả mà mắt thường, thậm chí máy móc cũng khó có thể phát hiện.

Các loại giấy tờ giả Công an H.Trảng Bom thu giữ trong vụ thuê xe ô tô đem đi cầm cố

Để chứng minh cho sự tinh vi của đối tượng khi làm giả giấy tờ, đại úy Thế dùng điện thoại quét mã QR trên một giấy phép lái xe giả (do đối tượng Đỗ Phi Hồ làm), ngay lập tức trên điện thoại hiện lên đầy đủ thông tin của người được cấp giấy phép lái xe giống như thật. Điều đó cho thấy, một số loại giấy tờ giả làm thủ công thì dễ nhận biết nhưng với việc sử dụng công nghệ cao để làm giấy tờ giả thì rất khó phát hiện.

Trong khi đó, nhiều người mua giấy tờ giả với giá đắt đỏ nhưng khi sử dụng lại gặp rất nhiều bất trắc và rủi ro. Như trường hợp của bà T.T.H. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vì sử dụng giấy tờ giả nên gặp nhiều rắc rối trong việc làm các loại giấy tờ khác. Cụ thể bà H. vì muốn đi làm công ty nên đã làm một số giấy tờ giả khai khác tuổi thật. Sau khi bị bệnh nghỉ việc, bà H. lại đi làm thẻ bảo hiểm y tế với tuổi trong các loại giấy tờ tùy thân thật. Thế nhưng, khi làm được thẻ bảo hiểm với tuổi thật thì bà lại không lấy được tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vì trên giấy tờ lại khác ngày tháng năm sinh. Cứ thế bà H. gặp nhiều rắc rối liên quan đến giấy tờ giả mà không thể lường trước được.

Theo đại úy Lê Huy Nam, điều tra viên Công an H.Trảng Bom, nhiều người vì lợi trước mắt mà quên đi những nguy hại có thể xảy ra lâu dài nên sử dụng giấy tờ giả. Người dân tuyệt đối không được mua, sử dụng giấy tờ giả vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể vướng vào vòng lao lý. Các cơ sở như: tiệm cầm đồ, cơ sở cho thuê xe tự lái hoặc những người sử dụng lao động… phải kiểm tra kỹ các loại giấy tờ để không bị người khác lừa đảo mà đánh mất tài sản. Trong trường hợp phát hiện giấy tờ giả, phải báo ngay cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202104/lam-giay-to-gia-di-tu-that-3053005/