'Làm khó' phi công: Bộ GTVT đã làm trái luật

Một khi Quốc hội đã pháp điển hóa thành bộ luật thì các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động cần căn cứ vào Bộ luật Lao động.

Trước hết, có thể khẳng định Thông tư 41/2015 (được thay thế bằng Thông tư 21/2017) của Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó có thành viên tổ lái (phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động (BLLĐ).

BLLĐ là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất

Cụ thể, khoản 3 Điều 37 BLLĐ quy định rõ: “Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”. BLLĐ là văn bản có kỹ thuật lập pháp tốt, trình độ pháp điển hóa cao. Do đó, BLLĐ được xem là “luật cái” điều chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ. Nói cách khác, các vấn đề liên quan đến HĐLĐ, chấm dứt HĐLĐ phải viện dẫn đầu tiên và chủ yếu từ các quy định trong BLLĐ.

Thứ hai, Điều 68 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Nhân viên hàng không (trong đó có phi công) phải được ký HĐLĐ bằng văn bản với tổ chức sử dụng lao động. Nhân viên hàng không được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản ghi trong HĐLĐ và pháp luật về lao động”. Điều 77 luật này lại quy định: “Quyền lợi của thành viên tổ bay làm việc trên tàu bay do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác được xác định theo HĐLĐ và quy định của pháp luật Việt Nam về lao động”.

“Pháp luật lao động” hay “pháp luật Việt Nam về lao động” ở đây trước hết phải tuân theo các quy định của BLLĐ, bởi như trình bày BLLĐ là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh về HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ. Trong khi đó, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) hoàn toàn không có quy định cụ thể nào điều chỉnh về HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ của phi công. Tuy Điều 70 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) có giao cho “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không” nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bộ GTVT có quyền ban hành ra các điều khoản trái với BLLĐ do Quốc hội ban hành. Nếu bất kỳ một chủ thể nào cũng viện lý do “đặc thù” để ban hành văn bản trái với luật của Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó có thành viên tổ lái (phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động. Ảnh: ZING.VN

Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó có thành viên tổ lái (phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động. Ảnh: ZING.VN

Chưa chắc phi công “đặc thù” hơn viên chức

Thứ ba, Điều 4 BLLĐ quy định: “Chính sách của Nhà nước về lao động là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Với quy định của các Thông tư 41/2015 và 21/2017 thì rõ ràng khi ký HĐLĐ, phi công đã bị ràng buộc bởi những thỏa thuận bất lợi hơn rất nhiều so với các quy định pháp luật về lao động. Do đó, không thể cho rằng “BLLĐ chỉ quy định báo trước ít nhất 45 ngày - tức là chỉ nêu lên thời gian tối thiểu mà không nêu thời gian tối đa nên Bộ GTVT được phép quy định phải báo trước 120 ngày” bởi như thế là không đúng với chính sách nói chung của Nhà nước về lao động và cũng không phù hợp với Điều 4 BLLĐ.

Thứ tư, so sánh về công việc, việc thực hiện hợp đồng thì chưa chắc công việc của phi công đã mang tính đặc thù so với công việc của viên chức. Theo quy định pháp luật thì phi công ký HĐLĐ với người sử dụng lao động, còn viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập. Lao động của phi công đơn thuần mang tính làm công ăn lương. Trong khi đó, lao động của viên chức không đơn thuần chỉ là làm công ăn lương mà còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mang tính dịch vụ công do Nhà nước giao.

Đối với phi công, HĐLĐ là cơ sở duy nhất ràng buộc giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối với viên chức, sự ràng buộc giữa họ với đơn vị sự nghiệp ngoài hợp đồng làm việc còn có quyết định tuyển dụng. So sánh như vậy để thấy việc làm của viên chức mang tính đặc thù và thể hiện yếu tố quyền lực-phục tùng còn mạnh mẽ hơn so với lao động của phi công. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 cũng chỉ quy định “viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày”, tức là bằng thời gian quy định trong BLLĐ. Vậy thì không có lý do gì các thông tư 41 và 21 lại được tự tiện nâng thời gian này lên đến 120 ngày.

Nên bãi bỏ các điều khoản trái luật

Thứ năm, BLLĐ chỉ xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt (Điều 117). Nói cách khác, BLLĐ chỉ chấp nhận các quy định đặc thù liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (nếu có) của phi công chứ không có điều khoản nào trong BLLĐ cho phép quy định đặc thù đối với HĐLĐ. Vì vậy, việc Luật Hàng không dân dụng Việt Nam giao cho Bộ GTVT ban hành thông tư quy định về HĐLĐ mang tính đặc thù, trong đó xác định thời gian “phải báo trước lên đến 120 ngày” là không phù hợp với BLLĐ.

Cuối cùng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không thừa nhận nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ thừa nhận nguyên tắc “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và BLLĐ đều do Quốc hội ban hành. Nếu có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng luật nào? Điều 70 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cho phép “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không” nhưng quy định này được ban hành năm 2006 nên phải áp dụng các quy định tương ứng trong BLLĐ vì BLLĐ ban hành sau, tức ban hành vào năm 2012.

Thậm chí quy định “trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của luật này” được nêu tại Điều 4 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng không còn chính xác vì mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được nêu trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Do đó, cũng không thể được viện dẫn để xác định việc ưu tiên áp dụng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Tóm lại, Bộ GTVT cho rằng quy định “phải báo trước 120 ngày” mang tính đặc thù với phi công là không có cơ sở và không phù hợp với BLLĐ lẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Do đó, Bộ GTVT nên bãi bỏ các điều khoản trái luật nhằm bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật.

Phải căn cứ vào BLLĐ

Về góc độ xây dựng pháp luật, BLLĐ là một trong sáu bộ luật (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, BLLĐ, bộ luật hàng hải) hiện hành ở nước ta. Rất hiếm hoi Quốc hội mới ban hành bộ luật bởi bộ luật thường điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, có tính bao quát và là “xương sống” của một ngành luật. Trong khi đó, luật có phạm vi điều chỉnh không rộng lắm.

Một văn bản luật không nhất thiết tạo ra một ngành luật vì một ngành luật có thể sử dụng nhiều văn bản luật làm cơ sở. Như vậy, một khi Quốc hội đã pháp điển hóa thành bộ luật thì các vấn đề liên quan đến HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ cần căn cứ vào BLLĐ chứ không phải là các thông tư 41/2015 và 21/2017 của Bộ GTVT.

TS CAO VŨ MINH (ĐH Luật TP.HCM)

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/lam-kho-phi-cong-bo-gtvtda-lam-trai-luat-794530.html