Làm mẹ từ tuổi 15

Tại huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều thiếu nữ người dân tộc Mông bị đám trai bản bắt về làm vợ khi mới chớm 14, 15 tuổi…

Mới 20 tuổi nhưng Thao Thị Lau đã có 2 mặt con, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé 3 tuổi - Ảnh: Ngọc Minh

Chúng tôi đến nhà Thao Thị Lau ở bản Chim (xã Nhi Sơn, H.Mường Lát, Thanh Hóa) khi ánh tà dương đỏ rực từ từ rơi xuống sườn tây của dãy Pù Nhi cao vút. Mới 20 tuổi mà Lau đã có hai mặt con, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới lên 3. Lau xinh xắn nhưng ánh mắt thì thật buồn. Lau nói chuyện bằng thứ tiếng Kinh bập bõm, may nhờ sự hỗ trợ của Trưởng Ban dân số xã Nhi Sơn Sung Văn Tho, chúng tôi mới “thủng” được câu chuyện về Lau.

5 năm trước, Lau bị bắt về làm vợ người ta vào một đêm đông cuối mùa thu hoạch. Ngày ấy, Lau mới 14 tuổi. Lau cùng với đám con gái trong bản mặc những bộ váy áo đẹp nhất đi chơi Tết. Tối ấy, sau vài bát rượu ngô chếnh choáng, bước chân của Lau như đi trên mây. Khi rời nhà bạn, bất ngờ từ trong lùm cây ven đường, một chàng trai nhảy ra chụp lấy cổ tay Lau kéo đi. Nỗi sợ thoáng qua, Lau nhận ra người kéo mình là Lâu A Dế. Dế hiền lành, ham việc và cũng chỉ hơn Lau 2 tuổi.

Không khó để bắt gặp những bà mẹ tuổi vị thành niên ở các bản người Mông - Ảnh: Ngọc Minh

Biết mình đang bị bắt về làm vợ, Lau muốn cưỡng lại quá, vì còn muốn học cái chữ để sau này được vượt qua cổng Trời, xuống miền xuôi học làm cô giáo về dạy bọn trẻ con trong bản, nhưng bước chân Lau sao lại cứ líu ríu chạy theo về nhà Dế. Thấy con trai bắt được cô vợ xinh đẹp, nết na nhất bản, bố mẹ Dế mừng lắm. Họ dọn giường chiếu cho đôi trẻ, rồi thức trắng đêm mổ heo, giết gà chuẩn bị cúng ma nhà. Tờ mờ sáng hôm sau, khi Lau còn chưa thức giấc, Lâu A Dế đã mang lễ vật là một con gà với chai rượu trắng sang nhà Lau báo cho bố mẹ Lau biết, đêm qua con gái họ đã bị Dế bắt về làm vợ…

Hơi men đã tan, Lau nhận ra mình đã trở thành vợ Dế. Lau biết từ đây Lau mãi mãi là vợ của Dế, là con ma của nhà Dế. Lau hoang mang lắm, nhưng phong tục của người Mông là vậy. Lau đã chịu qua đêm ở nhà Dế, cũng đồng nghĩa với việc đã chấp nhận Dế làm chồng. Giờ mà Lau bỏ về nhà sẽ bị gia đình Dế bắt vạ đến khánh kiệt mất thôi… Nuốt hai hàng nước mắt, Lau lầm lũi xuống bếp, phụ giúp mẹ Dế làm cơm rượu mời họ hàng. Cũng từ đây, nụ cười hồn nhiên của Lau đã tắt.

Ngày sinh đứa con đầu lòng khi mới 15, Lau khóc như mưa vì đau đớn. Chẳng biết làm gì, Dế chạy vội về nhà lôi chai rượu ngô ra tu cho đến say mềm vì… thương vợ. Đứa con đầu lòng bé quá, chỉ nặng 1,5 kg, khiến việc nuôi con vô cùng vất vả... Đến năm 17 tuổi, Lau đã kịp đẻ cho nhà chồng 2 mặt con. Rồi vợ chồng Lau được cho ra ở riêng, Lau chỉ biết ngày ngày lầm lụi cắm mặt vào vạt nương, vào xó bếp, nhếch nhác một nách 2 đứa con thơ dại…

Ba trăm vụ tảo hôn một năm

Theo số liệu của Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình H.Mường Lát, bình quân hằng năm trên địa bàn Mường Lát xảy ra hàng trăm vụ tảo hôn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn huyện có gần 300 trường hợp, chủ yếu là người Mông. Tục bắt vợ trong dịp tết cuối mùa thu hoạch hằng năm của người Mông đang là trở ngại lớn trong việc chấm dứt nạn tảo hôn nơi biên viễn xứ Thanh.

Được giao chức Trưởng Ban dân số xã Nhi Sơn, anh Tho đã rất tích cực vận động bà con thay đổi tập tục bắt vợ, tảo hôn nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Nhiều khi Tho chỉ muốn xin nghỉ, không làm Trưởng ban dân số nữa. Nhưng rồi nghĩ lại, cứ để tình trạng tảo hôn tiếp diễn thì cuộc sống của đồng bào mình mãi vẫn chìm trong đói nghèo nên Tho lại phải cố gắng làm việc.

Theo phong tục của người Mông, nếu khi bị bắt vợ, cô gái kiên quyết không theo, vùng chạy được về nhà mình thì coi như cuộc bắt vợ thất bại. Nhưng nếu cô gái chịu về nhà chàng trai ngủ qua đêm và được cúng nhập ma thì nghiễm nhiên trở thành vợ của chàng trai. Sau lễ cúng ma, những gia đình có điều kiện sẽ tổ chức lễ cưới ngay, nhưng nếu gia đình khó khăn quá, thì có thể hoãn lại, chờ vài năm, thậm chí là 10 năm mới cưới cũng chẳng sao.

Tho bàn với lãnh đạo xã vận động đồng bào Mông chấp thuận việc những chàng trai bắt vợ chưa đến tuổi thành niên thì các gia đình chỉ làm lễ cúng Giàng và thông báo với họ hàng, gia đình hai bên, công nhận cuộc bắt vợ thành công, cô gái đã có chồng nhưng vẫn được quay về nhà mình ở. Khi đến tuổi thành niên, cô gái sẽ được chàng trai đón về nhà mình làm lễ cúng nhập ma nhà, chính thức nên vợ nên chồng.

Cái “mẹo” của Tho được nhiều người ủng hộ nhưng đám thanh niên choai choai trong bản thì không muốn vậy. Bởi đám thanh niên mới lớn chỉ muốn bắt được vợ rồi là phải sinh con đẻ cái. Vậy nên khi bắt được vợ, ngay trong đêm các chàng trai thúc dục bố mẹ làm lễ cúng nhập ma nhà vào sáng sớm hôm sau để đối phó với Tho. “Nếu mình phát hiện sớm, kịp thời đến vận động thì bà con cũng nghe theo, nhưng nếu phát hiện khi họ đã làm lễ cúng nhập ma nhà thì đành chịu”, Tho nói…

Nhiều lần ngược xuôi qua các bản làng của người Mông nơi thượng nguồn sông Mã, chúng tôi bắt gặp những Thào Thị Giống, Thào Thị Xoa (ở bản Muống 1, xã Mường Lý) rồi Sùng Thị Dê, Hơ Thị Tụa (ở bản Muống 2, xã Mường Lý, H.Mường Lát)..., những bà mẹ trẻ con có chung một ánh mắt buồn rười rượi và cam chịu như ánh mắt của Lau. Cũng như Lau, các em phải từ bỏ ước mơ xuống miền xuôi học hành, đành cam chịu ngày ngày lầm lụi, gồng mình để làm vợ, làm mẹ ở những xó núi bên kia dốc cổng Trời…

Ngọc Minh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/lam-me-tu-tuoi-15-629175.html