Làm mẹ

Nguyễn Hoàng Nhân

Chị sinh khó, mệt mỏi sau một chặng đường dài vượt cạn, da xanh xao, môi tím ngắt, tóc còn ướt mồ hôi; trái lại miệng chị lúc nào cũng cười tươi tắn, ánh nhìn âu yếm thằng bé con lúc nào cũng ngọ nguậy, lâu lâu lại gồng mình. Chị ôm đứa con vào lòng, đầy hạnh phúc. Trước đó, mười năm trời chị chạy ngược xuôi ai bày gì làm nấy, từ Cần Thơ lên những bệnh viện nổi tiếng Sài Gòn như cơm bữa. Khi mang thai chị phải nghỉ làm, luôn luôn nằm và vài tháng đầu chị phải treo hai chân lên. Điều đó, chẳng làm chị bỏ cuộc, để hôm nay chị được làm mẹ.

Tôi gặp em trên chiếc xe đò về miền Tây trong chiều chạng vạng tối. Mặt cô bé trẻ măng. Tay nặng oằn với mớ đồ em bé. Đôi chân đã phồng lên. Cô bé chuẩn bị sinh. “Em thương ảnh, nên duyên nợ. Ảnh bỏ em, không thừa nhận đứa bé. Nhưng ba mẹ ảnh chấp nhận em. Em định về dưới nhà ảnh sinh xong gửi lại mẹ ảnh nuôi, rồi lên Sài Gòn học tiếp. Hơn sáu tháng nay, em nói bận học chưa dám về nhà ba má”. Cô bé khóc nấc lên. Chuyến xe đò chiều hôm đó, gần ba chục con người ai cũng mắt đỏ hoe, cũng bỏ qua khờ dại của cô bé tuổi mới lớn. Cô bé cười trong nước mắt: “Em không bỏ con em đâu, tội lắm”. Cô bé vo vo đôi bàn tay lên bụng…

Mẹ anh, người mẹ lao động miệt mài dưới tán dừa trong khu vườn thưa trái. Nhà ít đất, ba đứa con nheo nhóc. Một tay mẹ chu toàn tất tả. Mẹ chạy gạo từng bữa, làm đủ mọi nghề, ai thuê gì làm đó: làm cỏ, dọn dẹp nhà cửa, đốn mía, chằm lá, cắt lúa tận Đồng Tháp Mười. Hết mùa làm mướn, mẹ anh quay về với mảnh vườn thưa tước cọng dừa. Hết vườn nhà mình thì xin cọng dừa vườn bên cạnh. Mẹ anh dầm mưa, dãi nắng, với một ước nguyện luôn cố hữu trong đầu bà “Không bao giờ để ba đứa con phải bỏ học”. Mẹ đã phải bán cả chiếc áo dài cưới, bộ áo dài duy nhất mà tía cho mẹ, để chị hai đóng tiền trường. Ba chị em nhà anh mười mấy năm sau ai cũng thành đạt. Mẹ nấu mâm cơm cúng tổ tiên. Trong mùi nhang phảng phất, mẹ trang trọng cảm ơn ông bà đã cho mẹ khỏe mạnh để đi qua những ngày khó khăn nhất của cuộc sống. Hôm đó cả nhà mắt ai cũng đỏ hoe.

Người mẹ bao giờ cũng thương con vô bờ bến, dù hoàn cảnh thế nào đi nữa.

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/lam-me-a103424.html