Làm mới làng quê bằng con đường bích họa

Xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) vốn được người dân nhiều nơi biết đến thì nay càng có tiếng hơn khi xuất hiện hàng loạt bức tranh tường.

Thầy Việt trước những bức tranh của mình.

Thầy Việt trước những bức tranh của mình.

Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc cuộc sống và cả một hành trình thay đổi của làng quê xưa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tác giả của những bức tranh ấy là một thầy giáo.

Đẹp lên nhờ tranh tường

Không ít lần thầy Việt trăn trở có thể làm gì đó cho quê hương. Đến đầu năm 2017, nhìn những bức tường úa màu, phủ rêu dọc tuyến đường làng, thầy đã nghĩ ra ý tưởng vẽ tranh bích họa. Nghĩ là làm, hơn 2 năm nay, thầy Phan Quốc Việt (SN 1980, giáo viên Trường THCS Hoàng Xuân Hãn) miệt mài vẽ tranh, làm đẹp cho đường làng xã Tùng Ảnh.

Có đam mê, ý tưởng và tâm huyết nhưng thực hiện bằng cách nào đó là câu hỏi thường trực đối với thầy Việt. Thầy đã tìm đến những người bạn, người thân, chính quyền địa phương để hỏi, trình bày nguyện vọng muốn vẽ tranh lên bờ tường rào của mỗi gia đình để tạo điểm nhấn, làm đẹp đường làng, ngõ xóm. Mong muốn này được mọi người ủng hộ.

“Nếu việc này quá sức với ông, chúng tôi sẽ đồng lòng, góp tay vào cùng thực hiện ý tưởng. Còn về kinh phí không phải lo, chúng ta sẽ tự bỏ tiền túi còn nếu mạnh thường quân nào thấy việc làm này ý nghĩa họ góp tiền vào thì nhận thôi!”, bạn bè đã chia sẻ khi biết ý định của thầy Việt.

Kể từ ngày đó, người dân Tùng Ảnh quen dần với hình ảnh thầy giáo trẻ say sưa, miệt mài “khoác tấm áo” mới cho những bức tường đã cũ, bong tróc, úa màu vào buổi chiều các ngày nghỉ. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, chỉ cần khi người dân nhờ, thầy Việt có mặt. Đôi khi chính quyền cần thầy vẽ bích họa cho các dịp kỷ niệm, thầy Việt cũng sẵn lòng.

Theo thời gian những bích họa gần gũi về cuộc sống hàng ngày cứ “mọc’ dần trên những bức tường dọc đường làng, khiến người dân tỏ ra thích thú. Nội dung những bức tranh tường nói về cuộc sống làng quê miền Trung gần gũi, nên rất phù hợp với bà con Tùng Ảnh. Bên cạnh những bức tranh có nội dung về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều bức tranh nói về cảnh vật làng quê, cảnh lao động chân chất của nông dân hay đơn giản chỉ là những con vật thân thương, gần gũi cũng đủ làm người dân mê mẩn.

Tranh bích họa được thầy vẽ ở những bức tường trước các nhà văn hóa thôn, ở đường làng, trước cổng trường học... Qua hơn 2 năm thầy Việt đã vẽ gần 200m tường ở các thôn Châu Tùng, Châu Nội, Châu Trinh, Vọng Sơn, Thạch Thành huyện này. Đặc biệt, dẫu vẽ nhiều là thế nhưng chưa bức tranh nào bị trùng lặp nội dung, thầy luôn sáng tạo nghĩ ra những hình ảnh thân thương, gần gũi với bà con thôn quê nhất.

Chỉ là đam mê

Nói về những bích họa của thầy Phan Quốc Việt, cụ ông Trần Trọng Hoàn (80 tuổi) cho biết: “Từ một bức tường nhà thô kệch, vô cảm thậm chí qua thời gian mưa nắng trở nên nham nhở, xấu xí nhưng dưới bàn tay của thầy Việt đã biến bức tường trở thành bức tranh đẹp có hồn. Mỗi bức tranh tường ở đây như một câu chuyện, một khung cảnh yên bình mà thầy Việt muốn gửi gắm cho bà con chúng tôi”.

Ở góc độ cá nhân, thầy Việt chia sẻ: “Với người không biết khi nhìn hàng loạt bức tranh tôi vẽ họ cho rằng, đây là dự án kiếm lợi nhuận. Tôi làm do đam mê không vì mong cầu danh lợi. Với năng khiếu hội họa của bản thân, tôi muốn biến những bức tường khô khan, vô tri vô giác thành bức tranh sinh động, vừa làm đẹp cho làng quê vừa có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quê hương, giữ gìn những giá trị văn hóa – lịch sử của cha ông để lại. Qua đó, đóng góp một chút nhỏ sức trẻ của bản thân xây dựng quê hương”.

Khi hỏi về hành trình thực hiện những bích họa làng quê, thầy Việt không ngần ngại chia sẻ, ban đầu cũng sợ chính quyền, bà con không đồng tình. Cái khó nữa là để thực hiện vẽ một bức tranh tường cần trải qua nhiều công đoạn, nhưng quan trọng nhất là lựa chọn vị trí để thực hiện vẽ tranh cũng như làm sạch nền tường. Tiếp đó là công đoạn pha màu, phối sơn cũng như thực hiện làm nổi bật từng chi tiết, khung cảnh… Điều cuối cùng là cần sự cần mẫn, kiên trì và lòng say mê mới có thể ngồi “tù tì” ngày này qua ngày khác để hoàn thành một bức tranh.

Trước vẻ đẹp của những bức tranh tường, bà Trần Thị Liên, một người dân nơi đây, cho biết: “Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi được thầy Việt đưa lên tranh khiến ai cũng thích thú. Dịp cuối tuần, ngày lễ không ít người dân lân cận, thậm chí ở thành phố cũng có mặt để chụp ảnh làm kỷ niệm. Mỗi bức tranh thầy Việt tái hiện lại làng quê xưa đều khiến tôi hồi nhớ lại chính mình cách đây mấy chục năm”.

Ông Phan Tiến Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: “Việc làm của thầy Việt vô cùng đúng đắn và ý nghĩa và rất đáng trân trọng và cần lan tỏa. Để ủng hộ thầy, địa phương đã chủ động trích một khoản kinh phí nhỏ hỗ trợ mua thêm sơn màu, cọ vẽ. Mong rằng thời gian tới, thầy Việt tiếp tục tâm huyết vẽ nên nhiều tuyến đường bích họa đẹp cho quê hương”.

Những bức tranh rất có hồn, cái hồn của người họa sĩ yêu quê hương, làng mạc, sinh ra và lớn lên từ tiếng hò, câu vĩ giặm của bà, của mẹ. Họa sĩ Hào cũng thẳng thắn nhận xét, những bích họa không chỉ đẹp, mà còn có nội dung gần gũi, thân thuộc với người dân và chứa đựng những thông điệp vô cùng ý nghĩa. Đặc biệt, khi tái hiện lại nét đẹp của làng quê xưa hòa quyện với những thay đổi nông thôn mới hôm nay; những di tích lịch sử văn hóa của địa phương; lúc lại có ý nghĩa thúc giục người dân hăng say lao động sản xuất; hay chuyển tải thông điệp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ... Nó như một làng quê thu nhỏ qua những bích họa trên tường.

Họa sĩ Nguyễn Khắc Hào (TP Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/lam-moi-lang-que-bang-con-duong-bich-hoa-20200328190240637.html