Lâm nghiệp Việt Nam cần phát triển hài hòa và bền vững

Chiều 24-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thông tin về chuỗi sự kiện 'Kỷ niệm ngành Lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển (1-12-1945 / 1-12-2020)'. Họp báo do Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, ngành Lâm nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo đó, năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản; hiện sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt về xã hội hóa nghề rừng, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo việc làm cho khoảng 20 triệu lao động qua các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp. Hiện, cả nước có hơn 5.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản thu hút hàng triệu lao động. Giai đoạn 2011-2019 đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân gần 2.000 tỷ đồng/năm cho các chủ rừng và cộng đồng dân cư bảo vệ rừng.

 Quang cảnh họp báo.

Quang cảnh họp báo.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng cả nước cơ bản tăng đều qua các năm. Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%. Việt Nam đã đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha. Với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển…, ngành Lâm nghiệp đã và đang triển khai nhiều chương trình và dự án. Nhiều chính sách liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được ngành Lâm nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

Trong giai đoạn tới, ngành Lâm nghiệp Việt Nam cần phát triển hài hòa và bền vững về mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường; cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, tập trung nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng lên 20% vào năm 2025, 40% vào năm 2030 so với hiện nay; bảo đảm nguồn nguyên liệu gỗ lâm sản khoảng 40 triệu m3 năm 2025, 50 triệu m3 năm 2030 chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Chuỗi sự kiện “Kỷ niệm ngành Lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển” sẽ diễn ra trong 2 ngày 30-11 và 1-12-2020 tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), bao gồm Lễ kỷ niệm “Lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển” và Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”.

Tin, ảnh: MAI THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lam-nghiep-viet-nam-can-phat-trien-hai-hoa-va-ben-vung-644695