Làm 'nhà' cư ngụ cho cá

Phát triển chà rạn nhân tạo truyền thống vùng bờ và vùng lộng, tạo các khu vực cư trú, sinh sản, sinh trưởng cho các loài hải sản là cách gia tăng nguồn lợi hải sản, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt truyền thống

K hi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, các bến thuyền tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) lại sôi động.

Nhộn nhịp mùa kết cội chà

Cảng cá Phan Thiết những ngày cuối tháng 5 nhộn nhịp hẳn khi tàu thuyền tấp nập ra vào tập kết hải sản và chuẩn bị cho các chuyến biển đầu vụ Nam. Những chuyến xe vận chuyển nguyên vật liệu tập kết cảng để chuẩn bị cho mùa kết cội chà cho vụ cá mới, hình thức tạo bãi rạn nhân tạo dẫn dụ cá đến trú ngụ rồi đánh bắt.

Hàng trăm ngư dân hối hả mang vác các tàu dừa còn tươi rói để kết cội chà cho kịp lịch khởi hành. Lão ngư Nguyễn Văn Thành, chủ tàu cá vây rút chì có công suất hơn 300 mã lực, đang cùng các bạn thuyền kết nhanh các tua tàu dừa cuối cùng, hoàn thành toàn bộ cội chà hơn 10.000 tàu dừa. Ông Thành cho biết mỗi tua cội chà sẽ cần từ 700 - 1.000 tàu dừa rời kết lại với nhau. Cần trên 10 tua để hợp thành một mảng chà hoàn chỉnh thả xuống biển, tạo thành các bãi rạn cho cá trú ẩn.

Các ngư dân tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bốc dỡ cội chà lên tàu cá

Các ngư dân tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bốc dỡ cội chà lên tàu cá

Vừa hoàn thành những tua dừa cuối cùng, ông Thành cùng các bạn thuyền nhanh tay chuyển cội chà lên tàu và bốc dỡ thực phẩm cần thiết chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày. Các cội chà này được chuyển đến vùng biển có độ sâu, luồng nước thích hợp để thả xuống.

Anh Lê Văn Nghĩa, ngư phủ gần 15 năm, cho biết trước khi thả cội chà tạo bãi rạn, chủ tàu sẽ định hình vùng biển từ trước để việc dẫn dụ đàn cá thành công. Bãi rạn cố định bằng việc thả các cây tre đặc ruột xuống trước, sau đó các tua dừa được chất chồng lên và được giữ cố định bằng các rọ chứa đá chẻ. Một số ngư dân còn dùng các loài cây nhiều nhánh để cắm lên phía trên, tạo thành các rạn rậm rạp thu hút cá. Sau khi kết và thả cội chà, khoảng 2-3 tháng sau, tàu sẽ quay lại điểm thả chà để khai thác thủy sản. Lúc này sẽ vào cao điểm mưa, cá cùng các loài hải sản sẽ vào trú ẩn, sinh sống ở cội chà nhiều hơn, thuận lợi cho việc đánh bắt.

Lo sợ nhất là tàu giã cào

Nghề làm cội chà để dẫn dụ cá được các ngư dân tại TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong và thị xã La Gi của tỉnh Bình Thuận làm từ khá lâu. Sau một thời gian dài lắng xuống, hiện nay nghề này đang được ngư dân chú trọng phát triển trở lại, trước tình hình nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm. Hình thức đánh bắt bằng thả cội chà tại Bình Thuận chủ yếu áp dụng đối với tàu cá hành nghề vây rút chì, khai thác tập trung từ tháng 4 đến tháng 10. Cũng theo các ngư dân, khi mùa mưa vào cao điểm, các loài cá nổi như nục, chỉ vàng, bạc má, trao tráo, ngân, sòng... sẽ xuất hiện dày ở các bãi rạn làm bằng cội chà. Khi ấy, các tàu cá quay lại nơi thả chà của mình dùng ánh đèn để dẫn dụ cá ra khỏi chà rồi vây lưới bắt. Nhờ kiểu khai thác này, các tàu thường đạt năng suất khá trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang suy giảm.

Các ngư dân tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bốc dỡ cội chà lên tàu cá

Ông Trần Văn Đức, ngư dân phường Phú Hài (TP Phan Thiết), cho biết nghề thả cội chà làm rạn nhân tạo được cha ông nhiều đời để lại. Dù qua nhiều biến động nhưng nghề làm cội chà luôn được các ngư dân gìn giữ nhờ mô hình khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi, không đánh bắt mang tính hủy diệt.

Mặc dù hoạt động thả cội chà dẫn dụ đàn cá được các ngư dân vùng biển này phát triển khá nhiều nhưng nỗi lo lớn nhất của họ là cội chà của mình có nguy cơ bị tàu đánh bắt bằng giã cào cuốn mất. "Mỗi cội chà như vậy khi thả xuống biển cũng tốn cả trăm triệu đồng mua tàu dừa, đá chẻ, dây giằng, công kết… Ngoài biển cả mênh mông, đâu thể lúc nào cũng ứng trực để trông coi. Hễ bị tàu giã cào cào trúng là coi như mất nên ai làm nghề này cũng sợ" - ông Đức lo ngại.

Khuyến khích phát triển bãi rạn nhân tạo

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, nghề lưới vây rút kết hợp làm cội chà của ngư dân địa phương này có ngư trường hoạt động rộng từ vùng lộng đến vùng khơi: đảo Phú Quý, Côn Sơn, Trường Sa - DK1, Tây Nam Bộ, Phan Rang - Bình Định, thậm chí nhiều tàu thuyền di chuyển đến vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Đối tượng đánh bắt chủ yếu các đàn cá nổi (tráo, ngân, nục, ngừ, sòng, bạc má, chỉ...), khai thác quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 10.

Trước đó, để khuyến khích nghề làm cội chà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận xây dựng đề án "Khôi phục, phát triển các vùng chà rạn nhân tạo truyền thống trên vùng biển Bình Thuận". Mục tiêu đề án là khôi phục và phát triển chà rạn nhân tạo truyền thống vùng bờ và vùng lộng, tạo các khu vực cư trú, sinh sản, sinh trưởng cho các loài hải sản, gia tăng nguồn lợi hải sản góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt truyền thống; hạn chế sự xâm hại của nghề lưới kéo. Trong đó, địa phương phấn đấu đến năm 2025, tu bổ nâng cấp 1.000 cội chà và thả mới thêm 2.000 cội chà tại các vùng biển quy hoạch. Đề án này cũng đề xuất cải tiến mô hình chà truyền thống (vật tư, vật liệu, cấu tạo…) phù hợp đặc điểm nguồn lợi, tăng khả năng thu hút, tập hợp, quần tụ các loài hải sản, giảm chi phí đầu tư, thuận tiện trong thi công, lắp đặt; đồng thời đề xuất mức hỗ trợ tối đa bằng 50% giá trị cội chà thả mới cũng như tu bổ.

Trữ lượng hải sản đang suy giảm

Với chiều dài bờ biển 192 km, vùng biển Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn nhất nước; sản lượng hải sản khai thác hằng năm nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam của Viện Nghiên cứu hải sản công bố năm 2018 thì trữ lượng hải sản ở vùng biển ven bờ của Bình Thuận đã suy giảm trầm trọng.

Kết quả này khá phù hợp trên thực tế, đó là năng suất, chất lượng, kích cỡ khai thác ngày càng giảm, thành phần cá tạp, cá nhỏ chiếm tỉ lệ lớn trong sản lượng đánh bắt.

Bài và ảnh: Châu Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/lam-nha-cu-ngu-cho-ca-20230528204956536.htm