Làm những điều này với người bị ngộ độc rượu chẳng khác nào 'thêm dầu vào lửa', nguy hại đến tính mạng của họ

Nếu thấy người thân có biểu hiện co giật, thở không đều, mắt lờ đờ, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Số người ngộ độc rượu gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán

Mới đây, một thiếu nữ 19 tuổi ở Sơn La được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê do uống quá nhiều rượu. Bệnh nhân này phải thở máy và điều trị tích cực.

Theo lời người nhà bệnh nhân, trong những ngày nghỉ Tết, thiếu nữ này đi chúc Tết cùng bạn bè và uống rượu mừng năm mới, sau đó hôn mê ngay tại chỗ. Sau 9 tiếng đồng hồ không thấy cô tỉnh dậy, bạn bè mới gọi bố mẹ thiếu nữ đến đón và đưa đi cấp cứu.

Trên thực tế, bệnh nhân nữ này chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong những ngày nghỉ Tết. Theo thông tin từ Bệnh viện này, trung bình các ngày nghỉ Tết (từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết), tại đây cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày, tăng 30% so với ngày thường.

Trong đó, các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan, suy thận cấp.

Ngộ độc rượu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: TL

Ngộ độc rượu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: TL

BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngày nào các bác sĩ cũng tiếp nhân bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong đó phần lớn là bệnh nhân ngộ độc rượu thông thường, hoặc do uống quá nhiều rượu gây ngộ độc.

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Theo các chuyên gia, ngộ độc rượu là tình trạng y tế khẩn cấp, cần được điều trị ngay lập tức nếu nghi ngờ. Các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng thường có biểu hiện như: Kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, nói nhiều; không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường...

Các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, nôn nhiều, thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi, ho hoặc khạc yếu, bụng chướng, tiểu, đại tiện ra quần, giảm thân nhiệt, tụt huyết áp... Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Làm gì khi người thân bị ngộ độc rượu?

Khi thấy người thân có biểu hiện ngộ độc rượu dạng nhẹ, người nhà cần kê gối cho bệnh nhân nằm để đầu và vai cao. Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh cho họ nằm nghiêng sang một bên.

Cần chú ý chăm sóc và theo dõi người bệnh. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... để tránh hạ đường huyết.

Bên cạnh đó, cho người thân uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.

Giữ ấm cho bệnh nhân nếu thời tiết lạnh. Trường hợp thấy người thân có biểu hiện co giật, thở không đều, mắt lờ đờ, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay, tránh hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuyệt đối không làm những điều sau với người bị ngộ độc rượu:

- Để họ ngủ một mình: Nhiều người cho rằng, giấc ngủ sâu có thể giúp làm giảm nồng độ rượu và khi thức dậy, họ sẽ tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ có hiệu quả trong trường hợp say rượu thông thường. Còn trong trường hợp bị ngộ độc rượu, nếu không được xử lý kịp thời, người bị ngộ độc rất dễ rơi vào tình trạng bất tỉnh, hôn mê do các chất độc ngấm sâu vào cơ thể, gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Cố gây nôn bằng mọi cách: Việc cố gây nôn cho người ngộ độc rượu chỉ đem lại tác dụng khi người uống còn tỉnh táo. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, nếu cố ép gây nôn sẽ khiến họ bị sặc thức ăn vào phổi, rất nguy hiểm.

- Không tùy tiện cho người bệnh bị ngộ độc rượu uống nước chanh đặc hoặc các loại đồ quá chua để gây nôn vì tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương dạ dày.

- Thốc quạt vào người hoặc lau người bằng nước lạnh cho bệnh nhân nhanh tỉnh: Việc làm này khiến họ dễ bị cảm lạnh, có thể đột tử nếu không được phát hiện sớm.

Để phòng ngừa nguy cơ bị ngộ độc rượu, các chuyên gia khuyến cáo, nếu uống rượu, cần chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ nên uống ít (khoảng 30ml). Ngoài ra, cũng cần lưu ý tuyệt đối không uống rượu khi đói. Trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác để tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét, nguy hiểm đến tính mạng.

Hàng chục người tử vong do ngộ độc rượu tập thể

Ngày 8/2, giới chức Ấn Độ thông tin, một vụ ngộ độc rượu tập thể đã diễn ra khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và 10 người khác phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do những người này đã tham gia uống rượu tại một sự kiện hỏa táng vào tối 7/2. Ngay sau đó, mọi người bắt đầu nôn mửa. Họ được đưa đến các bệnh viện gần đó nhưng nhiều người đã không qua khỏi.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/lam-nhung-dieu-nay-voi-nguoi-bi-ngo-doc-ruou-chang-khac-nao-them-dau-vao-lua-nguy-hai-den-tinh-mang-cua-ho-20190212174939955.htm