Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021.Dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Đây là dự báo được đưa ra tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 5/7.

Lạm phát không vượt quá 4%

6 tháng đầu năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn 2020 - 2021. Sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia sau đại dịch Covid-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022”. Ảnh TTXVN

Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022”. Ảnh TTXVN

Tại Việt Nam, mặt bằng giá 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng cũng giảm giá đã kìm giữ lạm phát ở mức không đáng lo ngại. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.

Đặc biệt, Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Theo Phó Trưởng Phòng Chính sách (Cục Quản lý giá) Nguyễn Xuân Định, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, 6 tháng đầu năm kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công

So sánh tương quan với tình hình chung của thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra nhận xét, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia cao kỷ lục trong hàng mấy chục năm, và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.

"Trong 6 tháng cuối năm 2022, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các DN Việt Nam tận dụng được cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0 - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5 - 3,8%".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Nhiều yếu tố “hạ van” lạm phát

Đưa ra nhận định về tình hình lạm phát nửa cuối năm 2022, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng còn nhiều thách thức. Đó là xung đột Nga - Ukraine vẫn hiện hữu; chính sách zero Covd-19 của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm. Chưa kể việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhân tố này sẽ khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm.

Ở góc độ nền kinh tế Việt Nam, tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành khác nhau nên mức độ phục hồi khác nhau, sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm. Giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức, lạm phát có nguy cơ hiện hữu. Hiện nay, sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao, DN không thể tăng giá bán. Khó nữa là DN không thể, không dám ký hợp đồng dài hạn, hợp đồng giá trị lớn vì không tính toán được chi phí đầu vào biến động theo hướng ngày càng tăng cao. Đây là thách thức lớn của cộng đồng DN. Có thể nhìn thấy nguồn ngân sách trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu từ các khoản thu về thuế, phí liên quan đến đất đai trong khi các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh rất ít.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Trong đó, các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá sẽ góp phần "hạ van" lạm phát.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác. Mặt khác, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi 2022 - 2023. Xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-phat-nam-2022-van-trong-tam-kiem-soat.html