Lạm phát tại Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016

Lạm phát của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến giá dầu toàn cầu lao dốc và các nhà bán lẻ quần áo giảm giá, trong khi thuế quan cũng giảm nhẹ.

Một cửa hàng quần áo đóng cửa do dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 12/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Một cửa hàng quần áo đóng cửa do dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 12/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tháng Tư vừa qua, tỷ lệ lạm phát của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016 trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến giá dầu toàn cầu lao dốc và các nhà bán lẻ quần áo giảm giá, trong khi những tác động của thuế quan cũng giảm nhẹ.

Số liệu chính thức công bố ngày 20/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ mức 1,5% trong tháng Ba xuống còn 0,8% trong tháng Tư.

Riêng trong tháng Tư, giá tiêu dùng đã giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi cho tất cả các mặt hàng, trừ năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, vẫn duy trì ở mức 1,5%.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể giảm dưới mức 1% trong vài tháng tới. Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent cho biết tỷ lệ này thậm chí có thể giảm dưới mức 0 vào khoảng cuối năm nay mặc dù ông không cho rằng điều này sẽ đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn giảm phát kéo dài.

Hồi đầu tháng này, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết các báo cáo lạm phát có thể biến động do các hoạt động kinh doanh và sản xuất bị đóng cửa vì dịch bệnh khiến các thống kê không thể thu thập được thông tin giá cả của một loạt các mặt hàng.

Theo ONS, giá xăng dầu và diesel giảm, cùng với những thay đổi về giá năng lượng trong nước là những nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm trong tháng Tư.

ONS cũng cho biết do các yêu cầu người dân ở trong nhà, các nhà bán lẻ quần áo đành phải chuyển hướng sang chạy các chương trình giảm giá để giải phóng kho hàng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng trò chơi điện tử hay đồ chơi trẻ em cũng như mặt hàng rau, củ, quả lại tăng.

* Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miêu Vu cảnh báo sự phục hồi tốc độ tăng trưởng thương mại của nước này sẽ không ổn định nếu đại dịch COVID-19 không được khống chế.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Miêu Vu cho biết mặc dù hoạt động xuất-nhập khẩu từ tháng Một tới tháng Tư, tính theo đồng Nhân dân tệ, đã tăng vừa phải, song nếu đại dịch COVID-19 trên toàn cầu không được kiểm soát hiệu quả, hoạt động xuất-nhập khẩu sẽ "không thể bền vững".

Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đã phải cắt giảm sản xuất kể từ khi nối lại hoạt động do nhu cầu giảm sau khi chính phủ các nước triển khai lệnh phong tỏa để khống chế đà lây lan của dịch COVID-19.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quan chức này cho rằng Trung Quốc sẽ phải "nhanh chóng kích hoạt nhu cầu nội địa" để bù đắp cho tình hình ảm đạm ở các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II, và nếu đại dịch được kiểm soát, mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối năm 2020.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng trong nước như một yếu tố chủ chốt của tăng trưởng trong nước thay vì một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư chính phủ.

Các thị trường chủ chốt của Trung Quốc vẫn đang điêu đứng do những tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra, với hơn 30 triệu việc làm đã "bốc hơi" tại Mỹ, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo về "thiệt hại lâu dài" đối với nền kinh tế nếu các biện pháp hạn chế người dân ra ngoài không được dỡ bỏ kịp thời./.

Phương Oanh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-phat-tai-anh-giam-xuong-muc-thap-nhat-ke-tu-nam-2016/157402.html