Lạm phát tại Indonesia: Ăn mỳ gói cũng phải cân nhắc

Người dân Indonesia cũng đang đặc biệt lo ngại về việc phải chi trả nhiều hơn cho thực phẩm, đặc biệt là mì ăn liền - món ăn vốn rất phổ biến ở quốc gia này.

Tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine cùng khí hậu khắc nghiệt đã đẩy giá nhiều mặt hàng hóa tăng mạnh trên toàn cầu thời gian qua.

Một cửa hàng 3 trong 1 phổ biến tại Jakarta với cafe gói pha sẵn -mỳ gói và Tempeh chiên.

Một cửa hàng 3 trong 1 phổ biến tại Jakarta với cafe gói pha sẵn -mỳ gói và Tempeh chiên.

Nằm trên một con phố nhỏ hẹp và đông đúc ở thủ đô Jakarta, warkop hay cửa hàng nhỏ bán cà phê của anh Agus Mulyadi, 42 tuổi là một trong số rất nhiều cửa hàng phổ biến ở Jakarta, bán 3 trong 1 với cà phê hòa tan kèm những món ăn đơn giản như mì gói hay tempeh chiên. Khách hàng của cửa hàng chủ yếu là người dân lao động sinh sống khu vực xung quanh cũng như các lái xe công nghệ.

Kể từ sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, cửa hàng của anh Agus thu hút một lượng khách ổn định với món mỳ gói được ưa chuộng. Mì cửa hàng anh bán chủ yếu là Indomie, có nhiều loại hương vị để đáp ứng mọi khẩu vị, giá rẻ, thuận tiện và ngon. Tuy nhiên giá cả hàng hóa tăng trong thời gian qua, trong đó có giá mỳ gói tăng khiến anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá để bù vào khoản phải bổ sung mua nguyên liệu.

Mì Indomie là loại được bán chủ yếu trong các quán nhỏ ven đường vì giá rẻ và nhiều hương vị.

Bây giờ, một tô mỳ ăn liền là 10.000 rupiah (0,66 USD). Thêm một quả trứng và đó là 13.000 rupiah. Trước đây, một tô mì ăn liền có trứng thường có giá khoảng 10.000 rupiah.

Mức giá mỳ hiện vẫn được đánh giá là ổn định hơn so với các loại hàng hóa khác nhưng có nhiều lo ngại xung đột Ukraine tiếp tục kéo dài, gây thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ toàn cầu với việc Indonesia là nước nhập khẩu nhiều có thể khiến giá mỳ gói tăng mạnh trong thời gian tới. Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo trong tuần này cảnh báo, giá mỳ ăn liền tại nước này có thể tăng lên gấp 3 lần.

Là quốc gia tiêu thụ mỳ ăn liền lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc với 13,27 tỉ gói trong năm 2021, giá mỳ ăn liền tại Indonesia có thể phản ảnh chỉ số lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng tới 4,94%. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục kể từ tháng 10/2015 và vượt qua mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%-4% của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Nhiều người dân Jakarta cũng lo ngại giá cả các loại mặt hàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Anh Carli, một người dân Jakarta chia sẻ: "Hiện tôi đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền. Tôi sống trong một căn hộ đi thuê nhỏ. Tôi phải mua rất nhiều thứ.Vì vậy tôi đang chi tiêu một cách tằn tiện nhất có thể".

Đĩa mỳ xào thập cẩm có giá 17000 Rupia.

Trấn an người dân về giá mỳ gói có thể tăng giá mạnh, ông Franciscus “Franky” Welirang, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp thực phẩm khổng lồ PT Indofood Sukses Makmur, công ty sản xuất thương hiệu Indomie nổi tiếng toàn cầu, cho biết giá mì ăn liền Indomie sẽ không tăng gấp ba lần. Theo ông, giá lúa mỳ đạt mức cao nhất vào tháng 5 vừa rồi và không có khả năng tăng trở lại.

Trong khi đó, việc tăng giá mì gói thời gian qua cũng nằm trong sự điều chỉnh giá bán từ năm ngoái. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng, những nước sản xuất lúa mỳ như Australia, Canada và Mỹ đang vào vụ thu hoạch và rất được mùa. Do đó giá bột mỳ có thể giảm trong thời gian tới.

Tuy vậy, với giá cả hàng hóa tăng thời gian qua, quán hàng ăn nhỏ bé của anh Agus hay những người dân lao động nghèo ở Indonesia đang cảm nhận được những tác động của cuộc xung đột cách xa nửa vòng trái đất. Đối với anh Agus, mong muốn lớn nhất là xung đột có thể sớm kết thúc và giá cả sẽ bình thường trở lại"./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lam-phat-tai-indonesia-an-my-goi-cung-phai-can-nhac-post962612.vov