Lạm phát tăng kỷ lục: Áp lực mới với nền kinh tế eurozone

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang ở tình trạng mong manh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục phải đối mặt với mối lo lạm phát tăng lên tới 5%. Đây là mức cao kỷ lục kể từ năm 1997 và đang tạo ra áp lực không nhỏ cho các nhà lãnh đạo khi hoạch định kế sách phục hồi cho giai đoạn tiếp theo.

Giá cả nhiều mặt hàng tại châu Âu tăng mạnh khiến người dân lo ngại.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Eurozone đạt mức kỷ lục 5% trong tháng 12-2021, đã làm phức tạp thêm viễn cảnh bức tranh kinh tế năm 2022. Thành viên trong Eurozone có mức lạm phát cao nhất là Estonia (12%); tiếp đến là Lithuania với 10,7% và Latvia với 7,7%. Hai quốc gia duy nhất có tỷ lệ lạm phát dưới 3% theo đúng mức khuyến cáo của Liên minh châu Âu (EU) là Malta với 2,6% và Bồ Đào Nha 2,8%. “Thủ phạm” gây “bão giá” ở châu Âu thời gian qua chủ yếu là do giá khí đốt và giá điện tăng vọt. Trong vòng một năm, giá năng lượng đã tăng 22,1%, vượt xa so với các mặt hàng khác trong giỏ hàng hóa mà Eurostat khảo sát. Bên cạnh đó, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%, hàng công nghiệp tăng 2,9%... phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng hóa khan hiếm hơn.

Giá cả không ngừng leo thang trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và làm xáo trộn thị trường tài chính châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, sự mở cửa trở lại nhanh chóng của nền kinh tế đã dẫn đến việc giá của nhiên liệu, khí đốt và điện năng “tăng theo chiều thẳng đứng”.

Tuy nhiên, điều làm các nhà hoạch định chính sách tại Lục địa già lo ngại hơn cả là tình trạng lạm phát kéo dài hơn dự kiến. Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Paschal Donohoe nhận định, giá cả tăng cao do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có nguy cơ kéo dài hơn dự báo. Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ điêu đứng, đặc biệt là nông dân. Điển hình như tại Hy Lạp, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã tăng lên mức đáng báo động từ cuối tháng 12 năm ngoái, đẩy giá thành nông sản tăng cao.

Trong một phản ứng mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, lạm phát sẽ giảm trong năm 2022 và nhiệm vụ cơ quan này đặt ra là hướng tới mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2% về trung hạn. Tuy nhiên, làn sóng đại dịch mới do biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm thay đổi các dự đoán và đặt ra những thách thức mới. Đây là lý do phần đông các nhà kinh tế dự đoán, khu vực Eurozone chỉ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn một chút so với mức dự báo 4,2% của ECB.

Để ứng phó với khả năng rủi ro có thể xảy ra, tại cuộc họp ngày 17-1, các bộ trưởng kinh tế châu Âu đã nhất trí từng bước giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của ngân hàng, coi đây là một trong những động thái giúp giảm lạm phát tại Eurozone. Các biện pháp kiểm soát giá cả một số mặt hàng cũng được đề cập. Tuy nhiên, hiện ECB vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, do lo ngại hành động này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực. Theo Chủ tịch ECB C.Lagarde, giá cả tăng cao là nỗi lo ngại của nhiều người và các nhà lãnh đạo khu vực đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế, tình trạng lạm phát leo thang hiện nay không phải thách thức của riêng châu Âu mà của cả thế giới. Xu hướng này là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế phục hồi nhanh và sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế lo ngại, những sóng gió mà “cơn bão” giá gây ra cho thị trường toàn cầu, trong đó có châu Âu, sẽ để lại những hệ lụy lâu dài.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1022822/lam-phat-tang-ky-luc-ap-luc-moi-voi-nen-kinh-te-eurozone