Làm phim chuyên nghiệp, đừng van xin hay tạo chiêu trò!

Vài tháng trước, bộ phim điện ảnh nói về niềm tự hào bóng đá Việt Nam mang tên '11 niềm hy vọng' thất bại trong việc kéo khán giả đến rạp. Cộng đồng mạng đồn đại rằng nhà sản xuất và đạo diễn đăng đàn kêu gọi khán giả hãy đến xem, nếu không hay trả tiền lại.

Gần đây, bộ phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" cũng thất bại doanh thu ê chề. Nguyên nhân xuất phát từ việc khán giả tẩy chay vì hai diễn viên chính Kiều Minh Tuấn và An Nguy sử dụng chiêu truyền thông (PR) phim giả tình thật khiến khán giả phẫn nộ. Để đối phó tình hình này, nhà sản xuất phải kêu gọi các diễn viên ngôi sao đến rạp ủng hộ và lên mạng xã hội kêu gọi khán giả xem phim.

"Chú ơi đừng lấy mẹ con" thất bại vì PR phản cảm.

Không được chê phim ngay sau buổi chiếu ra mắt

Trong giới làm phim đến nay có một quan niệm rất cảm tính, khi mời báo giới và những người trong nghề đến xem buổi chiếu ra mắt, nếu ai viết bài chê ngay thời điểm phim ra rạp, sẽ bị lên án là ác độc và vô lương tâm. Họ cho rằng nhà sản xuất phải đầu tư rất nhiều tiền, tốn bao công sức, chê sớm quá khán giả không đến xem, sẽ khiến nhà đầu tư bị lỗ nặng. Muốn chê thì để người ta lấy vốn lại rồi hãy chê.

Quan niệm này như một quy luật bất thành văn, tạo nên tâm lý cảm tính trong giới chuyên viết mảng văn hóa. Vì lòng “nhân đạo” họ sẽ phê bình phim kém chất lượng vào thời điểm đã chiếu được một vài ngày. Hoặc là họ sẽ không khen và không chê để giữ mối quan hệ tốt đẹp với đại diện truyền thông hoặc nhà sản xuất.

Phim "11 niềm hy vọng" ra mắt ngay đúng thời điểm đội tuyển U23 Việt Nam gây nên cơn chấn động, đoạt giải nhì giải bóng đá U23 châu Á 2018. Phim tập hợp một dàn sao nam khá ăn khách, cộng thời điểm đẹp vì khán giả đang tan chảy vì đội tuyển U23 quốc gia. Ngỡ là thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng khi phim ra mắt được lượt đầu tiên, khán giả đến xem các ngày chiếu kế tiếp rất ít.

Tình hình thê thảm đến mức đạo diễn, nhà sản xuất dùng truyền thông gần như “năn nỉ” khán giả đến xem, với lời hứa nếu không hay sẽ hoàn tiền vé. Bất chấp lời kêu gọi rất tha thiết, khán giả vẫn không quan tâm. Phim lỗ nặng. Trường hợp của "11 niềm hy vọng" hoàn toàn không bị báo giới viết bài phê bình. Đơn giản là làm phim bóng đá khó tạo nên sự hấp dẫn giống đời thực nên khán giả thấy không hấp dẫn. Nếu báo giới sòng phẳng và mạnh tay hơn, chê ngay sau khi buổi chiếu ra mắt tình hình không biết sẽ ra sao.

Tạo chiêu trò

Phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" tổ chức ra mắt rất xôm tụ. Nhà sản xuất rất tự tin cho rằng đã dốc hết sức để tạo ra phim hấp dẫn, phục vụ công chúng. Nhưng những ai có kinh nghiệm phim ảnh, cảm thấy lo ngại cho thành công bộ phim khi nhìn vào dàn diễn viên và đạo diễn. Ngoài Kiều Minh Tuấn mới tạo vị thế ngôi sao, phần diễn viên chính còn lại gần như chưa nổi danh. Đạo diễn cũng chưa từng khẳng định tài năng của mình.

Không biết vì lý do gì, trước khi phim công chiếu, hai diễn viên chính Kiều Minh Tuấn - An Nguy bỗng nhiên đăng đàn tuyên bố yêu nhau. Kiều Minh Tuấn lấp lửng tình cảm của nam diễn viên này dành cho người tình lớn tuổi Cát Phượng chỉ còn là tình nghĩa. Công chúng bất ngờ bàn tán. Thông thường sự quan tâm kiểu này sẽ kích thích khán giả tò mò đến xem phim có gì ghê gớm mà khiến diễn viên nam phải lòng diễn viên nữ.

Nhưng trớ trêu, khán giả chẳng những không đến xem mà còn tẩy chay bộ phim. Hành động đó xuất phát từ chỗ khán giả kết luận Kiều Minh Tuấn là gã sở khanh, phụ bạc người tình lâu năm. Cát Phượng hoàn toàn không lên tiếng một lời nào và tỏ ra bình tĩnh như không. Thái độ này khiến cho người ta nghi ngờ: phải chăng đây là chiêu PR dơ? Thế là càng tẩy chay mạnh hơn.

Tình hình bi đát đến độ nhà sản xuất lên tiếng cho rằng việc Kiều Minh Tuấn - An Nguy không liên quan gì đến họ. Để giữ thanh danh, nhà sản xuất đòi kiện hai diễn viên này vì đã làm phim thất thu và ảnh hưởng uy tín vì dùng chiêu PR phản cảm. Song song đó, họ kêu gọi báo giới thân quen chữa cháy bằng những bài viết khen ngợi phim hay. Kêu gọi nghệ sỹ đi xem phim, đăng (post) hình ảnh và viết lên mạng xã hội nội dung khéo léo rủ rê khán giả xem phim.

Người bình tĩnh sẽ đặt ra câu hỏi: thông thường tình yêu vụng trộm sẽ được giấu giếm đến hết mức có thể, vì sao Kiều Minh Tuấn - An Nguy chỉ đóng chung với nhau có hơn tháng lại nảy sinh tình yêu mạnh đến mức dám lập tức công khai tình yêu, mà lại ngay trước lúc phim ra mắt? Nếu họ tin chắc vào chất lượng phim, họ có dám mạo hiểm để phim bị ảnh hưởng?

Nhiều người suy luận, chính vì họ không tin vào chất lượng phim nên mới tạo scandal để tạo hiệu ứng khỏa lấp cho chất lượng. Còn việc nhà sản xuất có liên quan hay không có lẽ phải cần thời gian và hành động cụ thể để chứng minh.

Làm phim chuyên nghiệp

Hằng năm, các nhà sản xuất phim Việt vẫn đều đặn phát hành phim chiếu rạp. Trong đó, phim hay tạo được sự quan tâm thì ít, còn phim không hay không dở, hoặc thất bại về doanh thu lẫn nghệ thuật rất nhiều. Các nhà chuyên môn vẫn luôn mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân. Có ý kiến cho rằng do chiến dịch PR kém, do hệ thống rạp xếp lịch xuất chiếu trái giờ vàng, do nội dung phim không phù hợp với gu giải trí của đám đông.

Các nhận định này đều đúng nhưng chỉ là tình tiết nhỏ. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là chất lượng phim. Muốn tạo ra một bộ phim hay, nhà sản xuất phải chu toàn từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thời gian quay phim phải đủ dài để tránh lối làm việc tranh thủ, gấp rút. Hiện tại, phim Việt Nam yếu nhất là kịch bản. Điều này được bàn luận từ lâu nhưng tới giờ vẫn còn nan giải.

Lối làm việc tranh thủ, vội vàng, quay phim chộp giật bỏ qua nhiều lỗi do điều kiện tài chính giới hạn là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều bộ phim không thể đảm bảo chất lượng. Một khi phim đã không đủ chất lượng thì có dùng chiêu trò, có van xin khán giả thì phim vẫn không thể nào thành công.

Nguyễn Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279767/lam-phim-chuyen-nghiep-dung-van-xin-hay-tao-chieu-tro.html