Lam Phương - Gọi nhau trong giấc mộng

Những ngày cuối năm 2020 công chúng yêu nhạc Việt đau buồn khi nhận được tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào tối 22/12 tại Mỹ. Ông mất ở tuổi 83 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não. Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương để lại niềm tiếc thương cho nhiều nghệ sĩ và khán giả.

Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

Nhắc đến Lam Phương là nhắc đến những tình khúc da diết, sâu lắng làm lay động lòng người. Sau 7 thập kỷ gắn bó với âm nhạc, gia tài đồ sộ của Lam Phương gồm hơn 200 tác phẩm với những ca khúc quen thuộc như Thành phố buồn, Cỏ úa, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc, Mưa lệ, Chờ người, Thu sầu, Xin thời gian qua mau, Như giấc chiêm bao...

“Thành phố nào nhớ không em?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa

Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em

Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn”

(Thành phố buồn - Lam Phương)

Tuổi trẻ tài cao

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhà nghèo, cha của ông lại bỏ 6 người con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định, đi theo người đàn bà khác. Năm 10 tuổi, mẹ gửi cậu bé Phùng lên Sài Gòn học ở trường Les Lauriers. Ngoài học văn hóa, Lâm Đình Phùng tự học guitare bằng các tài liệu tiếng Pháp do lúc đó ở Việt Nam chưa có sách dạy nhạc tiếng Việt. Thấy cậu học trò nghèo nhưng chăm chỉ, các nhạc sĩ Hoàng Lang, Lê Thương tận tình chỉ dạy cho cậu mà không nhận tiền thù lao. Năm 1952, sáng tác đầu tay ký tên Lam Phương ra đời, đó là nhạc phẩm Chiều thu ấy. Lam Phương phải vay tiền của bạn bè để in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Năm ấy, nhạc sĩ mới tròn 15 tuổi! Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Nhạc rừng khuya, Khúc ca ngày mùa... Đặc biệt, nhạc phẩm Khúc ca ngày mùa thành công vượt bậc hơn cả. Bản nhạc được viết theo thể loại nhạc đồng quê, nhịp điệu Mambo, với âm giai bằng cung rê thứ. Các hãng đĩa nhựa như Dư âm, Sóng nhạc, Asia... tranh nhau ký hợp đồng với Lam Phương để được thu âm bài hát Khúc ca ngày mùa, tiếng tăm của bản nhạc mới thật sự bùng nổ. Với tiếng hát điêu luyện của đôi song ca tài danh Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, lúc hợp, lúc bè, lúc đuổi như càng đưa bài hát lên chín tầng mây. Khúc ca ngày mùa còn được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Lam Phương đã thật sự nổi tiếng khi ông mới 18 tuổi. Đặc biệt, sau này ông còn sáng tác nhạc nền cho đoàn kịch nói Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… và sáng tác ca khúc cho đoàn kịch Túy Hồng. Lam Phương được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như hải ngoại.

Đến tháng 3/1999, ông bị tai biến mạch máu não, liệt một nửa người. Tuy sức khỏe không tốt nhưng nhạc sĩ vẫn lạc quan, yêu đời và những ca khúc của ông vẫn liên tục góp mặt tại nhiều chương trình ca nhạc trong nước lẫn hải ngoại. Nhạc sĩ cũng cởi mở, nhiệt tình trả lời nhiều cuộc phỏng vấn với báo chí. Ông tâm sự: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng ngày trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.

Thành công ở nhiều dòng nhạc

MC Minh Đức, người chuyên dẫn các chương trình âm nhạc, cho rằng Lam Phương là trường hợp lạ lùng và xuất sắc khi sáng tác dòng nhạc nào cũng có tác phẩm đỉnh cao, luôn đi đến cùng đặc điểm thể loại. Từ các bài nhạc tình sang trọng, đến những bài bolero. Từ thập niên 1980 trở đi, khi ông sống ở nước ngoài, Lam Phương viết nên những bài nhạc trẻ đích thực. Rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại, đều từng hát và thuộc nằm lòng âm nhạc của Lam Phương.

Với nhạc sĩ Hoài Phương - chồng của nữ diễn viên Việt Hương, Lam Phương là “một nhạc sĩ đại thụ tài hoa với hàng trăm tác phẩm để đời”. Còn sự nghiệp của ông là “di sản vô giá” của nền âm nhạc. Ca sĩ Quang Dũng tôn vinh ông là “tượng đài âm nhạc Việt Nam”.

Nhạc sĩ Lam Phương đã từ giã cõi tạm giản dị và chân thành như tấm lòng người nghệ sĩ như những tuyệt phẩm và tình cảm của khán thính giả vẫn còn lưu lại mãi trên những giai điệu tài hoa, sâu lắng, chứa chan tình yêu của thân phận người, như những tâm sự ông gửi lại:

“Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng

Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm

Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ

Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ”

(Cỏ úa - Lam Phương)

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202012/lam-phuong-goi-nhau-trong-giac-mong-916712/