Làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non: Các trường vùng cao gặp khó

2 năm trước, Trường Mầm non Tả Giàng Phình (thị xã Sa Pa) đã triển khai cho trẻ mầm non từ 3 tuổi đến 5 tuổi làm quen với tiếng Anh tại 3/7 điểm trường. Về nguồn giáo viên, nhà trường được biệt phái giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Tả Giàng Phình mỗi tuần 1 - 2 buổi. Theo đánh giá của nhà trường, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh sớm đã đem lại kết quả. Trẻ phát triển ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thông qua làm quen với tiếng Anh, trẻ bắt chước được ngữ âm, ngữ điệu của người nước ngoài, tăng giao tiếp. Đây là tiền đề để phát triển tiếng Anh cho trẻ sau này, đồng thời việc làm quen tiếng Anh sớm giúp trẻ tự tin và năng động hơn.

Học sinh Trường Mầm non thị trấn Phố Lu được học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy.

Học sinh Trường Mầm non thị trấn Phố Lu được học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy.

Dẫu vậy, theo Thông tư số 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn giáo viên tiếng Anh của trường tiểu học hỗ trợ các trường mầm non gặp khó khăn nên chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đã bị tạm dừng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Giàng Phình cho biết: Tiếng Anh là tiết học ngoài giờ nên phụ huynh phải đóng 10.000 đồng/tiết học và 1 tuần có 2 buổi. Đây là vấn đề mà các gia đình phải cân nhắc, bởi cuộc sống, thu nhập của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

Thị xã Sa Pa có 21 trường mầm non, 6 cơ sở mầm non tư thục, có 6.782 trẻ trong các độ tuổi. Đối với cấp học mầm non, thị xã Sa Pa lựa chọn tiếng Anh là môn học ngoại ngữ tự chọn. Những năm trước, thị xã có đủ biên chế giáo viên môn tiếng Anh ở cấp tiểu học nên có thể tăng cường hỗ trợ các trường mầm non. Có thời điểm thị xã có 60% trẻ mầm non 4 - 5 tuổi được làm quen với tiếng Anh. Hiện tại, thị xã có 523 trẻ/18 lớp/2 trường (Mầm non Hoa Đào, Mầm non Sa Pa) được làm quen với tiếng Anh. Tỷ lệ học sinh vùng cao được làm quen với tiếng Anh rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho rằng, làm quen với tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập là rất cần thiết. Độ tuổi mẫu giáo là giai đoạn “vàng” để trẻ học ngôn ngữ. Tuy nhiên, do điều kiện của thị xã Sa Pa còn nhiều hạn chế nên nhiều trẻ chưa thể tiếp cận chương trình, đặc biệt là trẻ em ở vùng cao. Trong tương lai, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh cho con em tham gia.

Huyện Mường Khương hiện có duy nhất Trường Mầm non số 1 thị trấn Mường Khương triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh từ lớp 3 - 5 tuổi với hình thức liên kết với trung tâm tiếng Anh. Cô giáo Thàng Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tiếng Anh là môn học tự nguyện được trường triển khai từ năm học 2021 - 2022. Trên cơ sở đăng ký của phụ huynh, nhà trường đã liên kết với Trung tâm Anh ngữ Smart Edu dạy tiếng Anh cho 193/528 trẻ 3 - 5 tuổi, mỗi lớp 2 tiết/tuần.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho rằng, khó khăn khi triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh là không có giáo viên. Các trường phải thuê giáo viên từ các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thuê giáo viên không dễ vì số lượng trung tâm tiếng Anh còn ít. Hơn nữa, mức học phí môn Tiếng Anh là 10.000 đồng/buổi đối với giáo viên là người Việt Nam, 20.000 đồng/buổi đối với giáo viên nước ngoài. Mức học phí này cao so với điều kiện của nhiều gia đình.

Về nội dung này, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Căn cứ Thông tư 50 và tình hình thực tế tại tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 902 ngày 1/6/2021 hướng dẫn thực hiện “Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo”; công văn hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non các năm học, trong đó có hướng dẫn về hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Hiện các cơ sở giáo dục mầm non ở thành phố, thị xã, thị trấn đã phát triển mạnh về số lượng. 100% trường mầm non của thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và các trường vùng thuận lợi của thị xã Sa Pa, thị trấn các huyện đã tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh bằng hình thức phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ và hợp đồng với giáo viên. Toàn tỉnh có 77 trường, 511 lớp, 12.381 trẻ được làm quen với tiếng Anh, trong đó vùng thuận lợi đạt 94%, còn vùng khó khăn chỉ đạt 5,93%.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh là không có giáo viên. Theo Thông tư 50, giáo viên đứng lớp phải có đủ khung năng lực, có chuyên môn, chứng chỉ sư phạm mầm non. Lào Cai gặp khó vì ngay cả trung tâm ngoại ngữ cũng rất ít. Việc hợp đồng với giáo viên cấp tiểu học đứng lớp cũng khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên chung. Ngoài ra, Thông tư 50 ra đời với các quy định về chương trình giảng dạy sẽ là hành lang pháp lý cho các cơ sở có điều kiện tổ chức việc dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, chất lượng. Tuy nhiên, đây cũng là rào cản đối với các đơn vị giáo dục vùng cao, vì nhiều trường chưa đảm bảo được hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan, trang - thiết bị nghe nhìn tối thiểu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh…

Để từng bước cho trẻ vùng khó khăn được tiếp cận tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua bài hát, câu chuyện, bài thơ trên internet, YouTube, băng đĩa. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh của trẻ và người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo”. Khuyến khích giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao năng lực tự bồi dưỡng, tự học tiếng Anh (bằng hình thức học trực tuyến, qua phần mềm, ứng dụng...), nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình; tăng cường sử dụng phần mềm cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong và ngoài lớp học, đồng thời lan tỏa phong trào “Cô và trẻ cùng học tiếng Anh”…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366131-lam-quen-voi-tieng-anh-cho-tre-mam-noncac-truong-vung-cao-gap-kho