Làm rõ cách thức chuyển đổi thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy

Thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên toàn thể sáng nay, 30.5, các đại biểu bày tỏ nhất trí với quy định chuyển đổi thông điệp dữ liệu và văn bản giấy. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần làm rõ cách thức chuyển đổi thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và ngược lại.

Quy định chặt chẽ về thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu

Cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật khó, đòi hỏi cần có quy định chung để điều chỉnh hành vi trong thực tiễn có liên quan đến giao dịch điện tử, vừa không được quá chi tiết, vừa không được nặng về kỹ thuật chuyên ngành sâu.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến quy định về thời điểm gửi thông điệp dữ liệu, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị sửa đổi theo hướng hạn chế quy định chi tiết nặng về tính kỹ thuật, công nghệ như là “nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát”. Bởi lẽ khi triển khai trong thực tiễn, việc kiểm chứng nội dung nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát đều khó có thể kiểm chứng bởi người gửi, nếu không áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ hoặc nghiệp vụ một cách phù hợp.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất quy định lại theo hướng “thời điểm thông điệp dữ liệu là thời điểm dữ liệu này rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hoặc người đại diện theo pháp luật của người khởi tạo mà không thể lấy lại, chỉnh sửa, bổ sung hoặc xóa”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật quy định “thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể được xác định trong các trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì ở bất kỳ địa điểm nào, thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận thì địa điểm đó vẫn được coi là trụ sở của người gửi, người nhận nếu người gửi và người nhận là cơ quan, tổ chức; được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân”. Quy định như vậy là phù hợp với tính chất giao dịch điện tử trên môi trường điện tử.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Văn Yên, quy định này chưa thống nhất với Luật Cư trú, Luật Doanh nghiệp về nơi cư trú và trụ sở của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, việc xác định địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết phát sinh tranh chấp trên thực tế. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này chặt chẽ hơn và phù hợp với các Luật liên quan.

Công nhận giá trị sử dụng của văn bản được chuyển đổi

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi dữ liệu bản giấy tại Điều 15, dự thảo Luật, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho biết, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hải quan luôn tồn tại hồ sơ điện tử và yêu cầu giá trị pháp lý xác thực và bảo đảm an toàn cho hồ sơ điện tử. Luật Giao dịch điện tử hiện hành chỉ mới đề cập đến văn bản điện tử trong hệ quy chiếu so với văn bản giấy. Trong khi hiện nay đã có văn bản điện tử tồn tại độc lập. Các quy định về giá trị pháp lý chứng thực điện tử mới chỉ mang tính nguyên tắc. Các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức vẫn đang xử lý song song giữa văn bản điện tử, văn bản giấy, gây lãng phí lớn cho xã hội. Do vậy, đại biểu đồng tình với quan điểm của Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là cần có quy định lựa chọn hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử, quy định hình thức lựa chọn sử dụng lưu trữ, giá trị pháp lý và các quy định khác.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nêu rõ, các trung tâm lưu trữ trên thế giới cũng đang tiến hành số hóa và bảo quản khối lượng lớn tài liệu điện tử. Và một số dự báo cho rằng, trong tương lai hầu hết các tài liệu được tổ chức sử dụng, xuất bản sẽ ở dạng điện tử. Do vậy, việc quy định chuyển đổi giữa thông điệp dữ liệu và văn bản giấy áp dụng cho các thủ tục hành chính theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, như Báo cáo đánh giá tác động, sẽ giúp tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng/năm, chi phí tiết kiệm từ việc sao chứng, chứng thực, di chuyển sẽ tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cách thức chuyển đổi thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và ngược lại.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nên bổ sung các quy định về công nhận giá trị sử dụng, giá trị pháp lý của các văn bản được chuyển đổi. Dự thảo Luật đang giao Chính phủ quy định chi tiết. Song, nếu luật hóa được quy định nào thì nên quy định ngay trong Luật.

Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/lam-ro-cach-thuc-chuyen-doi-thong-diep-du-lieu-sang-van-ban-giay-i330767/