Làm rõ kết quả, khó khăn trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Tiếp tục chương trình công tác, chiều ngày 12/10, đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về 'Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế' làm việc với UBND tỉnh Điện Biên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô phát biểu tại buổi làm việc với đoàn khảo sát Bộ GD&ĐT.

Đánh giá khảo sát tại Điện Biên của đoàn cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng, hiệu quả GD&ĐT Điện Biên có nhiều chuyển biến, quy mô trường lớp, học sinh tiếp tục phát triển bền vững; chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục từng bước nâng lên; các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc, làm thay đổi rõ rệt trình độ dân trí. 5 mục tiêu cụ thể (đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên) của Nghị quyết đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, Điện Biên hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2015, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2015, THCS mức độ 2 năm 2020. Học sinh trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 18 đã và đang học chương trình THPT đạt 73,7%. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được củng cố, phân bố ở các ngành và địa phương với nhiều phương thức và trình độ đào tạo...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 tại Điện Biên còn gặp khó khăn, vướng mắc, như: Việc đầu tư kiên cố hóa, tăng cường cơ sở vật chất nhiều khó khăn; thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn chuyên biệt, nhưng biên chế vẫn phải cắt giảm theo lộ trình; trẻ nhà trẻ tại các cơ sở giáo dục công lập không được hỗ trợ ăn trưa; mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú và học bổng cho học sinh các trường DTNT chưa đáp ứng nhu cầu. Học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn không được hưởng hỗ trợ như học sinh bán trú. Cán bộ, giáo viên các trường có học sinh bán trú phải thực hiện công việc như bán trú nhưng không có chế độ hỗ trợ...

Các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề cụ thể trong triển khai, đánh giá kết quả, vướng mắc, giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị quyết: Quy hoạch hệ thống và thực tế cơ sở vật chất trường chuyên biệt DTNT, DTBT; các chính sách, chế độ hỗ trợ của tỉnh để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trẻ; sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với các vùng, các dân tộc, trẻ khuyết tật, trẻ cần sự giáo dục đặc biệt; tiếp tục có các báo cáo, đánh giá, đề xuất Trung ương, địa phương quan tâm hơn nữa đầu tư cho giáo dục trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2025 - 2030...

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin với đoàn khảo sát về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 29.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thông tin thêm về một số vấn đề mà đoàn quan tâm. Đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đưa các địa phương khó khăn như Điện Biên vào thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất giáo dục; đề nghị Bộ quan tâm, ủng hộ địa phương bổ sung quy hoạch hệ thống trường đại học giai đoạn đến năm 2030, thực hiện lộ trình xây dựng Trường Đại học Điện Biên...Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao việc tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết của tỉnh Điện Biên. Cùng với đó đề nghị Điện Biên bổ sung báo cáo làm rõ những mặt được, chưa được, việc phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện Nghị quyết; cụ thể hóa, điểm nhấn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng tới đề xuất quy hoạch trường đại học... Tỉnh tiếp tục bám sát các chỉ đạo, giải pháp đã đề ra; nâng cao trách nhiệm cấp ủy trong kiểm tra, giám sát, xây dựng kỷ cương trong các trường học; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, đổi mới trong giáo dục... Từ đó phát huy điểm tốt, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW hiệu quả hơn, tham mưu triển khai phù hợp cho chặng đường mới.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/209647/lam-ro-ket-qua-kho-khan-trong-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao