Làm rõ một số vấn đề trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), chiều 21/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm rõ thêm một số vấn đề còn nhiều ý kiến như: Quy hoạch chung về giáo dục, học phí, giáo viên, phân định quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo…

Về quan điểm chung, Phó Thủ tướng cho biết, quá trình xây dựng, biên soạn dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) phải bám sát Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được thảo luận, thống nhất trong quá trình xây dựng Nghị quyết 29. Bên cạnh đó, một số vấn đề đặt ra trong dự thảo Luật theo định hướng của Nghị quyết 29 nhưng cần có lộ trình, bước đi phù hợp, do đó được quy định theo hướng mở, không gây xáo trộn.

Đối với các ý kiến đề nghị cần có quy hoạch chung mạng lưới cơ sở giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sau gần 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Khung hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia theo 8 bậc như quốc tế và dự thảo Luật lần này thiết kế cũng theo hướng như vậy. Bên cạnh đó, ban soạn thảo đã cân nhắc nhiều mặt và thấy rằng hiện nay các quy hoạch riêng về mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề, phổ thông vẫn có thể xử lý được, để bảo đảm tính bền vững đối với sự phát triển giáo dục.

Trước những lo ngại việc đầu tư của tư nhân, nước ngoài vào giáo dục có thể ảnh hưởng đến định hướng, chương trình giảng dạy, Phó Thủ tướng khẳng định nguyên tắc tất cả các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục từ nguồn nào vẫn phải bảo đảm sự quản lý thống nhất của nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng phân tích thêm nội dung học phí trong dự thảo Luật. Theo đó, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ hiến pháp, xu thế thế giới và điều kiện trong nước, trong đó có câu chuyện hỗ trợ cho các trường tư thục ở những cấp học, những địa phương có chủ trương miễn học phí.

“Cần quy định ngân sách chỉ hỗ trợ chứ không chi trả toàn bộ học phí, tối đa bằng mức trường công với điều kiện ở nơi đó không có trường công để bảo đảm đủ điều kiện đi học cho học sinh”, Phó Thủ tướng nói và bổ sung thêm học phí không phải là giá dịch vụ giáo dục. Đơn cử học phí cấp THCS một năm ngân sách thu khoảng 2.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với giá dịch vụ giáo dục phổ thông mà nhà nước chi trả bao gồm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo giáo viên, tiền lương…

Về đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị quy định trong dự thảo Luật phải nói rõ mục tiêu phấn đấu nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, tránh hiểu lầm là làm ngay một lúc, ở mọi vị trí công việc. Ví dụ, trong bậc mầm non cũng có cô dạy các cháu, có cô chăm sóc, cô nuôi thì không nhất thiết quy định khiến mọi người hiểu rằng tất cả giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng trở lên.

Cùng với đó, tới đây Luật Giáo dục (sửa đổi) phải quy định, định hướng rõ trách nhiệm của các trường sư phạm đối với chuẩn đầu vào, đặt hàng đào tạo số lượng giáo viên để cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo viên ở trường công, trường tư thục.

Giải đáp băn khoăn của nhiều đại biểu về mức lương khởi điểm của giáo viên rất thấp, không bảo đảm mức sống, Phó Thủ tướng cho hay dự thảo Luật đưa ra phương án bố trí phụ cấp hợp lý trong cơ cấu thu nhập của giáo viên.

Về nhóm các quy định liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Phó Thủ tướng nêu thực tế vừa qua, công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, trừ các trường sư phạm, từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐTB&XH, đem lại kết quả tích cực. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ không có định hướng thay đổi mà giữ ổn định việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục, đào tạo theo đúng các quy định pháp luật, các văn bản liên quan, Luật Tổ chức Chính phủ, quyền hạn của Chính phủ, phân công giữa các bộ…

Đình Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/lam-ro-mot-so-van-de-trong-du-thao-luat-giao-duc-sua-doi/359556.vgp