Làm rõ nhiều nội dung trong dự thảo Nghị định thi hành Luật PPP

Chiều 19/10, Bộ KH và ĐT, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và VCCI đã tổ chức tọa đàm 'Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP'.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp, qua đó làm cơ sở tham gia xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP” diễn ra chiều 19/10, tại Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, ngày 18/6/2020 Quốc hội đã ban hành Luật PPP số 64/2020/QH14 tạo hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh phát huy tiềm năng, huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Luật PPP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Tại hội thảo, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn, VARSI đã tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu hoàn thiện Luật PPP.

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng, VARSI là thành viên Ban Soạn thảo, cần được triển khai nghiên cứu để ban hành trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành và cần đảm bảo tính hợp lý, khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) cho biết: “Qua dự án nghiên cứu đánh giá và phân tích- (dự án LEAP III) của USAID, chúng tôi đã tiến hành xem xét để đánh giá Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật PPP từ phương diện tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị, mua sắm và thực hiện PPP ở Việt Nam hay không?”
Đại diện USAID cho rằng, cần đưa ra các thủ tục và quy trình rõ ràng nhằm hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật PPP.

Các thủ tục phải cụ thể, rõ ràng và khả thi. Quan trọng hơn, các thủ tục không được tạo ra những trở ngại hành chính cho cả cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư.
Từ góc độ nhà tư vấn luật, Luật sư Lê Nết, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của dự thảo và mong mỏi Nghị định khi ban hành sẽ được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng.
Đi vào cụ thể vấn đề, Luật sư Lê Nết cho rằng, dự thảo Nghị định cần bổ sung doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ xin mọi giấy phép và chấp thuận cần thiết để thực hiện dự án, trừ khi hợp đồng quy định rõ cơ quan ký kết hợp đồng xin giấy phép cụ thể, để tránh việc cơ quan ký kết hợp đồng bị kiện do chậm xin giấy phép và chấp thuận cho doanh nghiệp dự án, vốn dĩ phụ thuộc vào sự đầy đủ của hồ sơ mà doanh nghiệp dự án chuẩn bị.
“Ngoài ra, để tránh cơ quan ký kết họp đồng bị kiện do chậm bàn giao mặt bằng hay mặt bằng vướng tiện ích, dự thảo cần quy định doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ nhận đất đai, tài sản từ cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện dự án theo đúng thực trạng sẵn có và phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mặt bằng để thi công theo tiến độ được duyệt”, Luật sư Lê Nết chia sẻ.
Là đơn vị tham gia nhiều dự án BOT, ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, qua thực tiễn khi thực hiện dự án từ giai đoạn tham gia lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, khai thác, vận hành đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được quy định đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết.
Về các nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP (“Dự thảo Nghị định chung”), ông Đặng Xuân Chính cho hay: "Đối với việc lựa chọn chính sách được áp dụng để xem xét, thực hiện quy định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án PPP, sửa đổi hợp đồng dự án PPP hoặc áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại Luật đầu tư theo phương thức đầu tư”, chúng tôi kiến nghị lựa chọn phương án 2 được quy định trong dự thảo".
Đó là “Quyết định, văn bản hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và cấp địa phương (quyết sách của cả cấp Trung ương và địa phương)” vì lý do cơ quan cấp trung ương bao gồm chính quyền địa phương (cấp tỉnh) và có loại dự án PPP do cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với việc lựa chọn quy mô tổng mức đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị lựa chọn phương án 1 trong dự thảo đó là “Áp dụng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật PPP”.

Lý do phân nhóm dự án có thể thay đổi và trong phân nhóm dự án không có tiêu chí về địa lý như quy định trong Luật PPP.
Đối với việc xác định hành vi “chậm trễ” của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, ông Đặng Xuân Chinh cho rằng cần phải quy định cụ thể thời gian chậm trễ tại dự thảo Nghị định hoặc được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án và xem xét nhà đầu tư có thể đẩy nhanh thi công để bù đắp bằng tiền độ được hay không.

Thời gian bao lâu kể từ ngày đến hạn, thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hay chỉ cần quá ngày quy định mốc thời gian trong hợp đồng là được coi là chậm trễ và cơ quan ký kết hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng?
Cũng theo ông Đặng Xuân Chinh, đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, hiện nay quy định của Luật PPP có phần bất lợi cho nhà đầu tư khi cơ chế phần tăng thì áp dụng cho mọi dự án, còn cơ chế giảm chỉ áp dụng đối với các dự án mới.

Đề nghị bổ sung và làm rõ các nội sung sau: Có hướng dẫn chi tiết đối với hồ sơ, thủ tục để chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu.

Đối với các dự án trước thời điểm Luật có hiệu lực nhưng có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thì có được bổ sung và áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định tại Luật PPP hay không?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến liên quan đến quy trình ký kết hợp đồng PPP, lựa chọn nhà đầu tư, xử lý vi phạm trong đầu tư theo PPP, đặc biệt là cơ chế chi sẻ phần tăng, giảm doanh thu… đã được các đại biểu tham gia tọa đàm tranh luận làm rõ, qua đó đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới../.

Ngọc Quỳnh - Quang Toàn (BNEWS/TTXVN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-ro-nhieu-noi-dung-trong-du-thao-nghi-dinh-thi-hanh-luat-ppp/175096.html