Làm rõ những sai phạm tại hợp tác xã Nam Ninh

Nhiều bạn đọc có đơn thư phản ánh, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Ninh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã có nhiều sai phạm trong kinh doanh nước sạch như: Trốn thuế kinh doanh nước sạch; yêu cầu người dân phải trả tiền thay đồng hồ đo nước và các phụ kiện kèm theo; bán đồng hồ đo nước với giá quá cao; việc đánh giá chất lượng đồng hồ đo nước, nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm…

Ông Trần Đức Lợi ở thôn Nội, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết, khi thay đồng hồ đo nước tại điểm đấu nối, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Ninh (HTX Nam Ninh) yêu cầu khách hàng phải chịu toàn bộ chi phí mua đồng hồ và các phụ kiện kèm theo. Trong khi Khoản 3 Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có ghi rõ: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư toàn bộ đến điểm đấu nối với khách hàng bao gồm cả đồng hồ đo nước”. Việc mua đồng hồ nước với giá 400 nghìn đồng/cái để thay mới là không đúng. Hằng tháng, các hộ gia đình luôn đóng đầy đủ tiền sử dụng nước sạch cho nhân viên HTX nhưng không được nhận bất cứ hóa đơn, chứng từ liên quan. Khi kiểm tra thay thế đồng hồ, cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định) chỉ kiểm tra một chiếc trong tổng số 1.400 chiếc và kết luận phần lớn đồng hồ đã hỏng, phải thay thế toàn bộ là không có cơ sở…

Nhiều người dân sinh sống tại các thôn Duyên Giang, Phú Cường, Trung Thắng… thuộc xã Nam Thanh cho biết, vào giai đoạn năm 2001 - 2002, mỗi gia đình có ruộng đất tại địa phương đều đóng góp 400 nghìn đồng và khoảng 260 nghìn đồng chi phí công lắp đặt hệ thống nước sạch, trong đó có cả đồng hồ đo nước. Ngoài nguồn vốn do người dân đóng góp để xây dựng nhà máy nước sạch, một tổ chức cũng tài trợ 560 triệu đồng, HTX Nam Ninh đóng góp khoảng 700 triệu đồng. Nhưng hiện nay, khách hàng phải mua nước sạch theo giá thị trường. Ngoài ra, hằng tháng, khi nộp tiền sử dụng nước, các gia đình không được cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan.

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Trực và HTX Nam Ninh, tại Khoản 1 Điều 49, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP quy định: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm và thiết bị phụ trợ khác; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Thỏa thuận khác ở đây, theo giải thích của Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Ninh Nguyễn Công Hạnh là do đơn vị đang gặp khó khăn về kinh tế cho nên không thể thay thế miễn phí đồng hồ đo nước cho các gia đình. HTX Nam Ninh hoạt động theo Luật Hợp tác xã, vào ngày 14-1-2017, HTX đã tổ chức hội nghị xã viên bất thường và thống nhất ban hành nghị quyết; trong đó, có nội dung: Đồng hồ sử dụng nước của các hộ gia đình phải thay mới, kinh phí thay đồng hồ do các gia đình tự chi trả. Tuy nhiên, khi thanh toán tiền thay đồng hồ nước và phụ kiện, nhiều người dân trong xã phải đóng nhiều mức giá khác nhau, như gia đình ông Nguyễn Văn Hoằng (thôn Nội) đóng hơn 400 nghìn đồng; ông Phạm Sắn (thôn Duyên Giang) đóng 720 nghìn đồng, ông Nguyễn Ngọc Bến (thôn Bình Yên) đóng 4,5 triệu đồng…

Lý giải về sự chênh lệch mức giá này, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Ninh Bùi Văn Toản cho rằng, các gia đình gần điểm đấu nối vào đồng hồ nước thì mất ít chi phí hơn. Còn thôn Bình Yên, do xa điểm đấu nối và trước đó đường ống nước bị vỡ, cho nên các gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí mua vật tư, thuê nhân công đấu nối, và HTX chỉ hỗ trợ kỹ thuật thi công. Việc mua đồng hồ để thay mới được HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Thanh Sơn ở TP Nam Định (Nam Định) với giá 400 nghìn đồng/đồng hồ (bao gồm cả thuế VAT), loại đồng hồ Hachi cấp B.

Hiện HTX chưa hoàn tất việc thay mới đồng hồ đo nước cho các hộ cho nên công ty chưa thanh lý hợp đồng. Lãnh đạo HTX cũng cho biết, trước đó, đoàn công tác Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định) kiểm tra và thông báo kết quả: 1.400 đồng hồ VIKIDO mà các gia đình đang sử dụng đều không có chứng chỉ kiểm định. Kiểm tra đột xuất một đồng hồ đo nước thì kết quả sai số vượt quá giới hạn cho phép. Lãnh đạo Chi cục kiến nghị phải thay mới toàn bộ số đồng hồ đo nước này.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, từ khi sử dụng nước sinh hoạt của HTX Nam Ninh đến nay các gia đình đều không nhận được bất cứ hóa đơn, chứng từ liên quan. Gần đây, khi người dân thắc mắc, HTX mới đóng dấu đỏ vào tờ giấy nhỏ và sao ra nhiều bản để tiện việc điền tên khách hàng khi thu tiền nước. Lý do mà lãnh đạo HTX đưa ra là do đơn vị chưa đăng ký mã số thuế và chi phí mua máy in hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) rất tốn kém. Hơn nữa, nếu có hóa đơn VAT, khách hàng sử dụng nước phải chịu thêm 5% tiền thuế thì giá lại tăng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nam Trực Nguyễn Thanh Hà cho biết, HTX Nam Ninh kinh doanh nhiều ngành nghề, dịch vụ, trong đó có nước sạch. Việc đơn vị chưa đăng ký mã số thuế, chưa có hóa đơn VAT khi thu tiền nước là do áp dụng Công văn số 280/UBND-VP6 ngày 23-10-2015 của UBND tỉnh Nam Định về giá bán nước sạch của nhà máy nước do UBND xã, HTX, các tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác có ghi: Nhà máy nước do các đơn vị quản lý chưa thực hiện công tác tài chính, kế toán theo chế độ quy định hiện hành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, UBND các huyện hướng dẫn các đơn vị, căn cứ vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, quy mô, chất lượng nước của từng nhà máy để xây dựng và quy định giá bán nước sạch theo Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 17-10-2015, của UBND tỉnh Nam Định. Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu tiền nước theo giá bán và chất lượng nước phục vụ cho đời sống nhân dân.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi làm hồ sơ, thủ tục thành lập HTX thì đồng thời phải đăng ký mã số thuế tại chi cục thuế quận, huyện; thực hiện đăng ký con dấu tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) thuộc công an tỉnh, thành phố nơi HTX đặt trụ sở chính. Sau khi thành lập HTX, đơn vị phải đăng ký phương pháp tính thuế và thủ tục phát hành hóa đơn như doanh nghiệp. Còn theo Luật Hợp tác xã, tại Khoản 5, Điều 9 quy định: “Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê”.

Đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định và huyện Nam Trực sớm kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể cán bộ, lãnh đạo HTX Nam Ninh.

“Cơ quan công an đã thu thập tài liệu xác minh, từ khi kinh doanh dịch vụ nước sạch đến nay, hợp tác xã chưa kê khai thuế lần nào, đồng thời kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra và chi cục thuế của huyện trả lời: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Ninh có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác số thuế phát sinh khi HTX kinh doanh các mặt hàng hoặc cung cấp các dịch vụ thuộc diện chịu thuế theo quy định của luật thuế hiện hành. Nếu không tự kê khai thuế thì sẽ bị truy thu thuế theo quy định của luật quản lý thuế…”.

Trung tá PHẠM ĐÌNH CẨN
Phó Trưởng Công an huyện Nam Trực

“Cơ quan công an đã thu thập tài liệu xác minh, từ khi kinh doanh dịch vụ nước sạch đến nay, hợp tác xã chưa kê khai thuế lần nào, đồng thời kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra và chi cục thuế của huyện trả lời: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Ninh có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác số thuế phát sinh khi HTX kinh doanh các mặt hàng hoặc cung cấp các dịch vụ thuộc diện chịu thuế theo quy định của luật thuế hiện hành. Nếu không tự kê khai thuế thì sẽ bị truy thu thuế theo quy định của luật quản lý thuế…”.

Trung tá PHẠM ĐÌNH CẨN
Phó Trưởng Công an huyện Nam Trực

Bài và ảnh: NGỌC HIẾU, XUÂN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34990702-lam-ro-nhung-sai-pham-tai-hop-tac-xa-nam-ninh.html