Làm rõ quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

Cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần xem xét kỹ lưỡng quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là dự luật khó, mang nhiều tính chuyên môn kỹ thuật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, đặc biệt những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như thực hiện cam kết quốc tế, góp phần phát triển lĩnh vực viễn thông và thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số và xã hội số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 12.4. Ảnh: H. Long

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhất trí việc dự thảo Luật sẽ điều chỉnh thêm các vấn đề về dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông trên Internet. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, quy định của dự thảo Luật về các dịch vụ này hiện nay còn chưa cụ thể. Do đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.

Góp ý nội dung về bảo đảm bí mật thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, tại khoản 4, điểm b, Điều 6 dự thảo Luật cần quy định giới hạn thông tin cụ thể mà các doanh nghiệp viễn thông được trao đổi, phục vụ cho mục đích cụ thể để tránh lạm dụng quyền này của doanh nghiệp và bảo đảm tối đa bí mật thông tin của người sử dụng. Về cấp giấy phép viễn thông quy định tại Chương IV dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các vấn đề liên quan đến nội dung này để bảo đảm tương thích với cam kết quốc tế, quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật đầu tư, kinh doanh.

Còn chồng chéo với một số luật hiện hành

Tại phiên họp, cũng có ý kiến băn khoăn khi quy định tại dự thảo Luật còn đang chồng chéo với một số luật hiện hành. Chẳng hạn, hiện nay, khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật nêu “Chính phủ quy định việc xác định danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý. Việc xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý”. Phân tích rõ hơn nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, Điều 24 và Điều 26 của Luật Cạnh tranh đã quy định trong trường hợp nào thì doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp nào có sức mạnh thị trường và ở Nghị định 35 của Chính phủ cũng đã quy định các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh. Vì vậy, cần rà soát quy định này với Điều 24, Điều 26 và Nghị định 35 của Chính phủ để xác định lĩnh vực doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Tại khoản 2 Điều 18 quy định “nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường có nghĩa vụ không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, so với quy định của Luật Thương mại về cho phép doanh nghiệp được khuyến mại và Luật Cạnh tranh chỉ cấm doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới mức giá thành toàn thể tác động hoặc có thể tác động dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh, nếu dưới mức giá đó mà không dẫn đến tác động loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì cũng không vi phạm quy định về giá.

Ngoài ra, Điều 25 Luật Cạnh tranh đã nêu rõ “doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp tạo cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”. Nhưng tại khoản 25 Điều 3 dự thảo Luật quy định “phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông độc quyền chiếm giữ hoặc chiếm giữ phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật”, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cụm từ “độc quyền” và xem xét việc sử dụng thuật ngữ “chiếm giữ” tại khoản này. Bởi, thuật ngữ này chưa thực sự chính xác, cần nghiên cứu chỉnh lý theo hướng sở hữu hoặc chiếm hữu cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.

Cùng với yêu cầu phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế.

Giải trình, làm rõ những nội dung các đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, liên quan đến những trường hợp doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, Luật Cạnh tranh đã quy định cụ thể còn tại dự thảo Luật sẽ căn cứ vào quy định đó và Chính phủ sẽ ban hành danh mục thị trường viễn thông nào cần quản lý và danh mục những doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để quản lý.

Đối với thị trường viễn thông, số lượng doanh nghiệp rất ít, hiện nay doanh nghiệp thống lĩnh thị trường vẫn quản lý theo hướng tiền kiểm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất với Bộ Công Thương là đối với dịch vụ viễn thông, nếu là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, thì phải tiền kiểm và doanh nghiệp tiền kiểm thì không được cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành, còn các doanh nghiệp khác không phải là thống lĩnh thị trường sẽ hậu kiểm. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sau này bán dưới giá thành làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác và làm doanh nghiệp khác dẫn đến phá sản thì mới tiến hành kiểm tra, hậu kiểm.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để rà soát bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/lam-ro-quy-dinh-ve-doanh-nghiep-thong-linh-thi-truong-i325618/