LÀM RÕ THÊM MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, NGÂN SÁCH CHO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NĂM 2023

Đề cập về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường yêu cầu các Bộ ngành, đơn vị hữu quan chỉ đạo làm rõ một số tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước…

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Một trong những nội dung được đề cập tại Phiên họp là Ủy ban tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Đề cập về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường. Hoàn thành và đưa vào triển khai 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Công khai kết quả xử lý hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến, cập nhật 100% tiến độ xử lý hồ sơ trên dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trương, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến thẩm định, góp ý với nội dung môi trường của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 49 địa phương; khoảng 27 chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; phê duyệt 284 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư; cấp 301 giấy phép môi trường, chứng nhận, công văn chấp thuận về môi trường.

Về thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 3216/QĐ-BTNMT ngày 22/11/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023. Đến nay, đã tổ chức 08 đoàn thanh tra đối với 94 tổ chức cơ sở trên địa bàn 08 tỉnh/thành phố; ban hành 61 quyết định xử phạt vi phạm. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 128/199 cơ sở theo Kế hoạch; xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở (đã kết thúc kiểm tra và có kết quả phân tích mẫu môi trường); đồng thời, yêu cầu các cơ sở vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, thực hiện nghiêm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở còn lại, đang tiếp tục tiến hành kiểm tra hoặc hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra công tác thực thi pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các di sản thiên nhiên trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 02 Đoàn kiểm tra đột xuất đối với 03 tổ chức; đang tiếp tục kiểm tra 03 cơ sở còn lại. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo lập biên bản và ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 cơ sở; đồng thời có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh/thành phố để xác minh, kiểm tra, thanh tra một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương được phát hiện thông qua công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Đối với việc xử lý các vấn đề nóng, bức xúc về môi trường, trước phản ánh của dư luận, căn cứ đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”). Kết quả kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển Thanh tra Bộ ban hành Quyết định xử phạt số 24/QĐ-XPHC ngày 24/4/2023 đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đồng thời yêu cầu Tổng Công ty thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường bụi do hoạt động thi công của dự án.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai giám sát về bảo vệ môi trường đối với: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; các cơ sở và chủ đầu tư hạ tầng tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và các cơ sở sản xuất luyện thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tại tỉnh Hậu Giang; các nhà máy, cơ sở thuộc Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 20/9/2023, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường Trung ương (Cục KSONMT là đầu mối tiếp nhận) đã tiếp nhận 437 thông tin phản ánh từ công dân, trong đó: 222 vụ việc đã được gửi về địa phương đề nghị xác minh, xử lý báo cáo và 215 thông tin đã được hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật; có 149/222 thông tin, vụ việc đã được các cấp cơ sở xác minh, xử lý.

Khối các cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân về bảo vệ môi trường tốt hơn so với địa phương

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu cơ bản thống nhất đánh giá, trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ ngành, địa phương về cơ bản đã triển khai tương đối đồng bộ nhiều nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tích cực hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: Theo thống kê chưa đầy đủ từ 48/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,23%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (95%); Đã hoàn thành, giải quyết khối lượng lớn các văn bản, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ môi trường; Chủ động phòng ngừa kiểm soát các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn…).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Về chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, kinh phí của Trung ương cho sự nghiệp môi trường đến nay đạt 76,9% dự toán được giao, còn lại 23,1% dự toán được giao và hiện các bộ đang đề xuất bổ sung là hơn 231 tỷ đồng, số kinh phí còn lại hơn 212 tỷ đồng sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác về bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hơn 16.929 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phân bổ của chính quyền địa phương.

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn đầu tư đã giải ngân tương đương 40,04% kế hoạch giao. Tỷ lệ giải ngân của lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thấp hơn với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 42,35% và khối các cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân tốt hơn so với địa phương.

Về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại báo cáo số 974/BC-UBKHCNMT15 ngày 24/10/2023, các Bộ ngành đã tích cực triển khai thực hiện các kiến nghị tại báo cáo số 974/BC-UBKHCNMT15 của Ủy ban.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, vẫn còn những kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chưa được hoàn thành, cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành định mức về kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng với từng loại hình, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành văn bản thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25/4/2017. Bộ Tài chính chưa xử lý xong tình trạng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển (còn tồn đọng 1.456 container phế liệu tại cảng biển). Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các Bộ, liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung kiến nghị này.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường còn chậm ban hành; một số văn bản mới ban hành năm 2022 nhưng sau khi triển khai đã xuất hiện bất cập, vướng mắc dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung (như Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, trong khi công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; một số LVS còn ô nhiễm nặng, điển hình như tình trạng ô nhiễm tại LVS Bắc Hưng Hải. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Lộ trình triển khai thị trường các-bon trong nước còn chậm. Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ môi trường còn bất cập, chưa triển khai đầy đủ các quy định pháp luật.

Đề cập về phân bổ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc đề xuất sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phù hợp với quy định pháp luật; còn tình trạng phân định chưa rõ giữa nội dung chi từ nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường và nguồn vốn đầu tư công; việc lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan trung ương còn chậm trễ.

Về kinh phí đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch giao, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn ở địa phương; chi đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chưa được tổng hợp đầy đủ theo hệ thống.

Báo cáo việc ban hành chưa đúng tiến độ được giao đối với một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc ban hành chưa đúng tiến độ được giao đối với một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt …); một số văn bản ban hành năm 2022 nhưng hiện đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung.

Việc điều chỉnh, cắt giảm hơn 307 tỷ đồng của 01 dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý (vốn trong nước hơn 282 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 25 tỷ đồng) trong kế hoạch năm 2023. Đề nghị làm rõ nguyên nhân và bài học để tránh lặp lại việc này trong thời gian tới?

Phương án phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2024, trong đó một số đơn vị có dự toán đề nghị tăng đột biến, một số đơn vị khác lại có dự toán đề nghị giảm mạnh, ví dụ như: Bộ Nội vụ tăng 516%; Hội Người cao tuổi tăng 133%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giảm 91%; Bộ Giao thông Vận tải giảm 72%; Bộ Công Thương giảm 77%; Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam không phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2024.

Có ý kiến về quan điểm của Bộ Tài chính về việc xác định có cần thiết tiếp tục duy trì quy định tỷ lệ mức chi không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 41 ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị hay không; trường hợp không cần thiết, không còn phù hợp thì đề nghị trình Bộ Chính trị bỏ quy định này.

Trong năm 2023, một số Đoàn ĐBQH Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình phản ánh ý kiến của cử tri về bảo vệ môi trường tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, các khu chế xuất, khu kinh tế; việc hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin hiện có những vấn đề gì về bảo vệ môi trường cần lưu ý tại các địa phương nêu trên hay không (?).

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị báo cáo: Việc chưa ban hành văn bản thay thế Thông tư số 03/2017 ngày 25/4/2017, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới. Cung cấp danh sách 266/293 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt khoảng 91%) và danh sách dự kiến 3-4 khu công nghiệp sẽ hoàn thành đưa công trình Nhà máy xử lý nước thải tập trung vào hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để có cơ sở chắc chắn đánh giá việc đạt chỉ tiêu của Quốc hội là 92%.

Đánh giá về khả năng giải ngân 59,96% vốn đầu tư công được giao đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong 03 tháng còn lại của năm 2023 (đến 30/9/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 40,04% kế hoạch giao). Bên cạnh đó, nêu rõ trách nhiệm của Bộ và các cơ quan khác, đề xuất giải pháp, biện pháp quyết liệt hơn đối với tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo là “công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao”. Ngoài ra là làm rõ hạn chế “quy định phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương nhất là về thời gian thẩm định dự án, phê duyệt dự án hầu như chưa được tuân thủ theo quy định” và trách nhiệm của cơ quan liên quan như thế nào.

Đối với Bộ Tài chính, đề nghị báo cáo: Tiến độ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Thời hạn xử lý dứt điểm tình trạng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển. Tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước sự nghiệp bảo vệ môi trường; tình hình huy động vốn ngoài nước cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023; sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường.

Đối với các Bộ, cơ quan khác, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước báo cáo thêm về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong đó, làm rõ nội dung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường làm nước tưới cây; nước thải từ hoạt động chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; ban hành danh mục công bố các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ có liên quan báo cáo việc xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải mà mới đây có Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, có gì vướng mắc không, trong đó đánh giá nhiệm vụ rà soát toàn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80693