'Làm rõ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, đề xuất được định hướng lớn'

VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Tọa đàm 'Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới' vào ngày 1/7 tại Quảng Nam.

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết NQ 39, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh ủy trong vùng.

Thưa các đồng chí!

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết; trong đó có tổ chức một số Hội thảo, Tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tọa đàm "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới" là một trong những Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới, phù hợp bối cảnh, tình hình mới và thực trạng phát triển các địa phương trong vùng.

Trước hết, thay mặt Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW, Tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu là đại diện cho các Ban, Bộ ngành Trung ương, địa phương; đại diện các Viện, Trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học đã phối hợp và tham dự Tọa đàm, đặc biệt là sự phối hợp của Tỉnh ủy Quảng Nam để tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới".

Thưa các đồng chí!

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7 km; dân số khoảng 6,5 triệu người; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có tài nguyên nguyên khoáng sản khá phong phú; có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình, và có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam....; toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tàu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Nghị quyết 39-NQ/TW định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông- Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan”

Thưa các đồng chí!

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; ban hành các quy hoạch, kế hoạch và giải pháp thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố; cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa của chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước thành các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển các địa phương và vùng. Phát triển kinh tế- xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng có nhiều đổi mới; kinh tế của vùng đã có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục nhất là trong giai đoạn 2010 - 2019; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao được hình thành. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư khá đồng bộ; nhất là các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam. Các chuỗi đô thị ven biển hình thành và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, du lịch và mở rộng các không gian kinh tế. Liên kết vùng được quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả nhất định. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bản sắc văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO được giữ gìn và phát huy. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có nhiều cải thiện. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Quốc phòng an ninh được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng KTTĐ khác của cả nước. Phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của Thành phố Đà Nẵng chưa cao; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là tài nguyên biển; tỷ lệ lao động lành nghề thấp; thiếu hụt lao động chất lượng cao; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế… Đặc biệt là cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Thưa các đồng chí,

Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới " hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng; là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua; đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung trong thời gian tới.

Phạm vi Tọa đàm khá rộng, liên quan đến nhiều cơ chế chính sách đã ban hành của nhiều Bộ ngành; trực tiếp tác động vào phát triển 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và liên quan đến định hướng phát triển cả vùng Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong thời gian tới trong khi đó thời gian Tọa đàm chỉ diễn ra trong ½ ngày. Để Tọa đàm có chất lượng, đảm bảo thời gian, Tôi đề nghị lãnh đạo các Bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học cần tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Vùng, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo những giải pháp về những định hướng lớn về chiến lược và quy hoạch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong mối quan hệ với cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, để vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ và và tăng cường liên kết các địa phương trong vùng Nam Trung bộ; đặc biệt là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và phát triển đô thị.

Thứ hai, làm sâu sắc kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế vùng, nhất là việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua. Từ đó, đề xuất được những định hướng về các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực mới, các động lực liên kết mới cho các ngành, lĩnh vực của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030; là căn cứ để các địa phương xây dựng và đưa vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương giai đoạn 2021-2030.

Thứ ba, làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết phát triển vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn….; nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu. Từ đó giúp các Bộ ngành và cấp ủy các địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động nhằm tăng cường liên kết vùng nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, mở rộng các vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất, tận dụng lợi thế người đi sau trong phối hợp ứng dụng các thành quả của khoa học-công nghệ, cách mạng 4.0 và vì lợi ích chung của vùng

Thứ tư, phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy. Từ đó, cung cấp cho Ban Chỉ đạo những luận cứ khoa học và thực tiễn để tham mưu, đề xuất các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp nhằm thúc đẩy liên kết vùng nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế riêng có của từng địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thứ năm, tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra trong liên kết vùng về các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tầu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch... Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Thời gian dành cho Tọa đàm không nhiều; Tôi đề nghị các vị đại biểu phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực giúp Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW và tham mưu cho Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng trong thời gian tới.

Chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc!

Chúc Tọa đàm thu được nhiều kết quả hữu ích!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lam-ro-tiem-nang-loi-the-cua-tung-dia-phuong-trong-vung-de-xuat-dinh-huong-2035774.html