Làm rõ tính khả thi của giám sát, phản biện cộng đồng trong Luật PPP

Chiều 24/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (Luật PPP) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (10/2019).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Giám sát cộng đồng liệu có khả thi?

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Khanh trình bày đã nêu về một số nội dung lớn như thu hẹp lĩnh vực đầu tư, xác định quy mô đầu tư, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ doanh thu, tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP, trình tự và thủ tục của giám sát cộng đồng...

Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị xem lại tính khả thi và sự phù hợp với thông lệ quốc tế khi dự án luật này quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cộng đồng hoạt động đầu tư theo phương thức PPP quá nhiều.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là công trình lớn, chứ có phải như các công trình xây dựng nông thôn mới đâu mà dễ giám sát, phản biện. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây chúng ta quản lý yếu kém làm cho các nhà đầu tư nản lòng. Nay, luật cần khắc phục được những yếu kém đó, chứ không phải là quy định quá nhiều thủ tục rườm rà và khó khả thi.

“Nếu chúng ta là doanh nghiệp thì đọc xong dự thảo luật này thì liệu chúng ta có dám bỏ tiền ra đầu tư hay không?”, và Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời luôn: “Nếu tôi là doanh nghiệp thì đọc xong dự thảo luật này sẽ không đầu tư”.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cân nhắc việc chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu

Về cơ chế chia sẻ doanh thu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn cho biết không đồng tình với việc “chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu” trong dự thảo Luật. Nhà nước chỉ chia sẻ khi có thiên tai, địch họa, chứ do anh tính toán không tốt, năng lực yếu, dẫn đến giảm doanh thu sao lại bắt Nhà nước chia sẻ. Phải cân nhắc điều này, nếu không thành gánh nợ cho đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn: Trước đây, khi đầu tư theo hình thức BOT thì tại sao lại tập trung nhiều vào lĩnh vực giao thông, mà các lĩnh vực khác làm rất ít? Bên cạnh đó, cần làm rõ thực trạng đầu tư BOT vừa qua để đưa vào luật này, vì thời gian qua, tại sao khi đầu tư BOT giao thông mà các chủ thể đều “kêu” nhiều như thế, từ nhà đầu tư, ngân hàng và người dân.

Trong đó, cần làm rõ căn cứ nào để xác định được lĩnh vực hoặc công trình đầu tư được chọn và cho rằng đầu tư “nửa công, nửa tư” thì hiệu quả hơn so với các loại hình đầu tư khác như đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân. Đồng thời, cũng tìm hiểu và nghiên cứu xem hiện nay quốc tế có đi theo xu hướng đầu tư “nửa công, nửa tư” này hay không. “Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Đề cập đến những vướng mắc, khó khăn đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những vấn đề lớn cần bàn bạc kỹ, như đan xen quyền sở hữu để bảo vệ quyền lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư thì nên đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới và trình Quốc hội thảo luận tiếp, báo cáo tiếp cấp có thẩm quyền quyết định.

“Nếu thấy đủ điều kiện thì trình Quốc hội thông qua, nếu không thì dừng lại, chứ không nên ‘chín ép’”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/lam-ro-tinh-kha-thi-cua-giam-sat-phan-bien-cong-dong-trong-luat-ppp/390807.vgp