LÀM RÕ VIỆC QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ NỘI DUNG TÒA ÁN THỰC HIỆN QUYỀN TƯ PHÁP

Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp được quy định trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm thảo luận tại phiên thảo luận tổ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát, chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định đầy đủ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bao quát hết thẩm quyền mà Hiến pháp và các luật hiện hành đang giao cho Tòa án thực hiện để không mâu thuẫn, chồng chéo với nhiệm vụ của cơ quan khác.

Điều 3 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định tại khoản 1: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định nội dung cụ thể Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ, cụ thể nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp; làm rõ đặc trưng quyền tư pháp; quy định rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.

Thảo luận tại Tổ 11 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Sơn La, Tuyên Quang, Tây Ninh về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không tán thành với nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp quy định trong dự thảo Luật với lý do: Nghị quyết 27-NQ/TW không quy định về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Không có văn bản nào quy định chỉ duy nhất Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Các luật gồm Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ đều không quy định nội dung quyền lập pháp, quyền hành pháp. Việc khái quát Tòa án thực hiện quyền tư pháp thành khái niệm có khi cũng không bao quát hết và gây hiểu nhầm. Nội dung tại khoản 1 Điều 3 còn có ý kiến khác nhau. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu; không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn vì nội hàm quyền tư pháp chưa rõ; những quy định tại Điều 2, Điều 3 chỉ là một bộ phận của hoạt động tư pháp; nhiều cơ quan cũng thực hiện quyền tư pháp như Viện kiểm sát, cơ quan điều tra.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Tổ

Thảo luận tại Tổ 11 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Sơn La, Tuyên Quang, Tây Ninh, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ thán thành với bổ sung nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Đại biểu làm rõ, quyền tư pháp đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Mặt khác các luật như Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 sửa đổi năm 2019 có nêu về Điều 1 về vị trí, chức năng của Chính phủ: Chính phủ là cơ quan hành pháp. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sửa đổi 2020 trong vị trí, chức năng của Quốc hội cũng nêu: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp. Riêng quyền tư pháp chưa được ghi nhận trong luật. Do đó đại biểu bày tỏ thống nhất với nội dung đề xuất trong Tờ trình dự án Luật.

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cũng bày tỏ nhất trí với Khoản 1 tại Điều 3 của dự thảo Luật quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Đây là nội dung thể hiện cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp quy định rõ Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Từ đó đến nay thì đề án thực hiện quyền tư pháp à chưa được quy định cụ thể hóa. Do đó, khi sửa đổi Luật Tổ chức Tóa án nhân dân lần này quy định rõ Tòa án thực hiện quyền tư pháp là phù hợp nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như Hiến pháp năm 2013. Việc quy định nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo thì là một bước để cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương để xác định thẩm quyền của Tòa án.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên thảo luận tại Tổ 12

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng cho rằng quy định này cũng phù hợp với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định rõ Viện kiểm sát là cơ quan thi hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thống nhất chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan luật pháp là bước thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thủy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho biết vấn đề về quyền tư pháp là nội dung khó nhất hiện nay. Đại biểu nêu rõ các tiếp cận sửa đổi Luật lần này để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW. Theo đại biểu, vấn đề này phải rà soát những chính sách chứ không thể chỉ rà soát những điều luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, khi nói đến quyền tư pháp, Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Như vậy quyền tư pháp, cơ sở pháp lý có nhưng mà không quy định nội hàm của quyền tư pháp trong Hiến pháp. Hiện nay các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu thảo luận trong nhiều năm và gần đây nhất khi xây dựng Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương đã đưa ra thảo luận nhưng vẫn còn quan điểm khác nhau, chưa đưa ra được quan điểm thống nhất về quyền tư pháp. Nếu nay lại quy định vào trong các Điều 3, 15, 26, 28, 30 dự thảo Luật liệu có chính xác và đầy đủ chưa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thủy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng phải xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế để kiểm soát quyền lực, hiệu quả. Lấy ví dụ Điểm c, Khoản 2, Điều 3 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quy định: Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng ở đây cần phải cân nhắc bởi không rõ phạm vi, những vấn đề liên quan đến con người ở đây là những vấn đề gì. Bởi vì vấn đề liên quan con người là vấn đề rất lớn, nội hàm rộng, nội dung gì cần phải nghiên cứu, làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng nội dung quy định về quyền tư pháp đã có cơ sở nhưng “chưa chín”. Trong khi mục tiêu như Tờ trình dự án Luật nêu ra là thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương đề ra là xác định quyền của Tòa án để thể hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Câu hỏi đặt ra là dự thảo Luật đã thể hiện đầy đủ quyền tư pháp hay chưa. Theo đại biểu, Tòa án nên làm tròn chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3, Điều 102 của Hiến pháp. Tòa án nhân dân có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng dự thảo Luật cần phải tiếp tục kế thừa quy định của luật hiện hành, có đổi mới, phát triển.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Theo đại biểu, đây là một dự án Luật về bản chất là một luật về tổ chức bộ máy nên không quy định sang những lĩnh vực khác và không quy định lại những vấn đề mà những luật khác đã quy định, như là vấn đề hỗ trợ kinh phí cho Tòa án đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Những vấn đề liên quan đến tổ chức xét xử thì nội dung này thuộc về tổ chức, chưa được quy định thì bổ sung và có giải trình thấu đáo.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng cho rằng nội hàm tư pháp là một vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Khi xây dựng, ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW thì Ban Chấp hành Trung ương lại không đưa ra nội hàm về quyền lập pháp hay nội hàm quyền tư pháp vào trong nghị quyết. Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra quan điểm chỉ đạo, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân.

Luật Tổ chức Quốc hội cũng như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành đều không quy định nội hàm về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cho đến nay nội hàm về quyền tư pháp này vẫn chưa có sự thống nhất và còn có nhiều quan điểm khác nhau. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu là những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện. Nhưng những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị nếu như quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật thì Ban soạn thảo phải làm rõ về cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cần xác định được nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của Tòa án để quy định phù hợp và có một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả.

Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), theo Tòa án nhân dân tối cao việc làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết phải đặt ra trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để thống nhất nhận thức, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.

Đối với ý kiến băn khoăn, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng quy định nhiệm vụ này trong dự thảo Luật là để cụ thể hóa Hiến pháp và thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW. Hiến pháp không khẳng định Quốc hội, Chính phủ là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập pháp, hành pháp nhưng đều thống nhất chỉ có Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp mặc dù trên thực tế việc thực hiện các quyền năng này có sự tham gia của nhiều cơ quan. Hiến pháp không quy định cơ quan khác thực hiện quyền tư pháp ngoài Tòa án. Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thực hiện quyền tư pháp thuộc trách nhiệm của Tòa án, không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan khác, không ảnh hưởng, chồng lấn đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan khác.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan thẩm tra rà soát, chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định đầy đủ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bao quát hết thẩm quyền mà Hiến pháp và các luật hiện hành đang giao cho Tòa án thực hiện để không mâu thuẫn, chồng chéo với nhiệm vụ của cơ quan khác.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82393