Tự tử vì hồ tiêu rớt giá, gà vịt, lợn, dưa hấu… chờ đến phiên

Mới đầu năm mà những 'thủ phủ hồ tiêu' của Tây Nguyên như huyện Chư Pưh, Chư Sê… (Gia Lai) đã buồn như có đám. Không chỉ có chuyện vỡ nợ hay tán gia bại sản mà còn có cả những vụ tự tử vì hồ tiêu rớt giá.

Người dân Tây Nguyên đang điêu đứng vì tiêu rớt giá. Ảnh: Dân Việt

Người dân Tây Nguyên đang điêu đứng vì tiêu rớt giá. Ảnh: Dân Việt

Một thời chưa xa, những địa danh Chư Pưh, Chư Sê… là những câu chuyện báo chí với đầy rẫy nông dân sau một đêm thành tỷ phú cùng việc xây nhà lầu, tậu ôtô xịn nhờ trồng tiêu được giá.

Thế là trở thành hình mẫu học tập. Thế là người người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu. Cả Tây Nguyên rộng lớn đến đâu cũng nghe chuyện thời sự là trồng tiêu làm giàu như một thời với cây cà phê hay caosu.

Mà trồng tiêu, đầu tư lại không hề nhỏ khi để trồng 1.000 trụ tiêu, người dân phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng bao gồm cả tiền mua đất. Nhưng đó là khi mưa thuận gió hòa, chứ tiêu bệnh thì còn tốn kém hơn nhiều.

Vậy nhưng nhiều nơi, người ta còn chặt bỏ cả những vườn cà phê và nhiều loại cây trồng khác để vay tiền chuyển đổi qua tiêu, mà chẳng quan tâm đến câu chuyện thị trường hay quy luật cung cầu.

Và rồi một hôm, giá tiêu sụt giảm không phanh cùng tình trạng tiêu chết hàng loạt do bệnh tật không thuốc chữa khiến nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ, nợ ngân hàng tiền tỉ phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn tha hương. Và đỉnh điểm là những cái chết!

Và ngành chức năng lặp lại điệp khúc vào cuộc tìm nguyên nhân. Để rồi có khi mấy hôm nữa lại lên báo và mạng xã hội kêu gào “giải cứu tiêu”!

Sau tiêu rớt giá và chết bệnh sẽ là gì nhỉ? Chắc chắn không lâu nữa đâu sẽ là lợn, vịt gà rớt giá và dưa hấu ùn tắc ở các cửa khẩu như đã lặp lại từ năm này sang năm khác.

Đó là những giọt nước tràn ly về câu chuyện bài học thị trường luôn chạy theo đuôi sự kiện để khắc phục hậu quả cùng tư duy tiểu nông của ngành nông nghiệp, mà đến nay vẫn học hoài không thuộc.

Trong khi bản chất cơ chế thị trường đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nắm bắt quy luật cung cầu. Và trên hết là một “nhạc trưởng” để đề ra những chính sách và sự “can ngăn” kịp thời kiểu đầu ra ở đâu, cần bao nhiêu là đủ cho từng mặt hàng và thị trường.

Chuyện của hồ tiêu nhưng không phải là chuyện của riêng hồ tiêu. Vậy nên nếu không sớm có những thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt và cách mạng ở tầm vĩ mô, thì những lợn, gà, dưa hấu, cá, lúa… cứ chờ nhé, sắp đến phiên mình rồi!

Tường Minh

Nguồn ĐS&PL: https://laodong.vn/dien-dan/tu-tu-vi-ho-tieu-rot-gia-ga-vit-lon-dua-hau-cho-den-phien-593618.ldo