Làm sách giáo khoa phải trên tinh thần cầu thị, hoàn toàn minh bạch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Quá trình làm sách giáo khoa phải trên tinh thần cầu thị, hoàn toàn minh bạch. Tất cả vì học sinh, vì đổi mới giáo dục.

Chiều nay (20/4), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện một số bộ, ngành, nhà xuất bản về công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa, đồ dùng dạy học và một nội dung được đưa ra bàn thảo trong cuộc làm việc đó là giá sách giáo khoa mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, về tình hình biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, riêng đối với vấn đề giá sách giáo khoa, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa là hàng hóa thuộc diện kê khai giá. Bộ Tài chính mà trực tiếp là Cục Quản lý giá chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá sách giáo khoa và rà soát văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

"Các Nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với Bộ Tài chính. Để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc giảm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện rà soát lại toàn bộ định mức chi phí, phương pháp phân bổ chi phí vào giá thành sách giáo khoa để tiết giảm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa. Do sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thông tin thêm về việc định giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, giá sách được cấu thành trên 8 mục gồm, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí in, lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, tuyên truyền giới thiệu sách… So với sách giáo khoa hiện hành, giá sách lớp 2 và lớp 6 mới tăng bởi khổ sách lớn hơn, số trang nhiều hơn, toàn bộ sách được in màu, số đầu sách cũng nhiều hơn.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để giảm giá sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban hành các văn bản quy định thống nhất về kích cỡ sách, số trang in, chất liệu giấy, chất liệu màu để các nhà xuất bản căn cứ vào đó có những quyết định in ấn phù hợp, đảm bảo giá thành sách phù hợp với điều kiện của người dân. Đại diện các ban, ngành cho rằng, cần triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phát hành sách, đưa sách đến tận tay học sinh để vừa giảm giá thành, vừa tránh được sách giáo khoa giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, nội dung trong sách giáo khoa hiện hành đã đảm bảo yêu cầu kiến thức cần thiết ở mỗi cấp học nên không cần thiết phải có sách tham khảo. Bộ không khuyến khích học sinh bình thường dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, đặc biệt là đối với bậc tiểu học.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Bây giờ giáo dục nói chung, đặc biệt là sách giáo khoa, quá trình chuẩn bị làm sách giáo khoa tất cả phải trên tinh thần là cầu thị, hoàn toàn minh bạch. Tất cả vì học sinh, vì đổi mới giáo dục"./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/lam-sach-giao-khoa-phai-tren-tinh-than-cau-thi-hoan-toan-minh-bach-851770.vov