Lâm sản ngoài gỗ - sinh kế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Mặc dù có nhiều phát triển trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn bởi đa số đồng bào dân tộc chưa tiếp cận được với các chính sách, nhiều chiến lược không phù hợp với nhu cầu để giúp họ thoát nghèo. Trong khi đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ (LSNG) đang được xem là điểm mới, hướng phát triển bền vững lâm nghiệp trong tương lai giúp bà con thoát nghèo.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ủng hộ phát triển sinh kế ngoài lâm sản gỗ giúp đồng bào thoát nghèo. Ảnh: TV

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ủng hộ phát triển sinh kế ngoài lâm sản gỗ giúp đồng bào thoát nghèo. Ảnh: TV

Sinh kế từ lâm sản ngoài gỗ

Vừa qua, tại Quảng Nam, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Phát triển Dân tộc Thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo báo cáo về Giảm nghèo và Thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đồng bào DTTS Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn, cụ thể như tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ kể trên, đồng bào DTTS vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện, điển hình như tỉ lệ chậm lớn ở nhóm đồng bào DTTS là 31% cao gấp 2 lần so với đồng bào đa số; tỉ lệ nghèo DTTS hiện chiếm 73% tổng nghèo cả nước; tỉ lệ chi tiêu đầu người của nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn 45% so với nhóm đa số.

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới, các nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS đặc biệt là nhóm các sản phẩm LSNG.

LSNG là một bộ phận của hệ sinh thái rừng, chiếm khoảng 50% tổng sinh khối của rừng nhiệt đới. LSNG có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng DTTS. Trong số các LSNG, có rất nhiều các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giá trị dược liệu lớn. Điển hình như cây hà thủ ô, tục đoan ở vùng núi cao phía Bắc; cây đinh lăng, cây ba kích ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ; cây hương nhu trắng, sâm Ngọc Linh ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; cây trinh nữ Hoàng cung, sa nhân tím ở vùng Tây Nam Bộ.

Lấy ví dụ điển hình cho việc phát triển sinh kế LSNG, sâm Ngọc Linh với chương trình di thực tại nhiều xã ở Quảng Nam, Kon Tum được nhiều người chú ý. Cụ thể, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết, từ vài vùng phát hiện có sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My thì đến nay, Quảng Nam đã di thực giống sâm này ra tại nhiều xã, huyện ở địa phương và tỉnh Kon Tum. Bước đầu của chương trình hiện đang cho kết quả khả quan khi các cây sâm có thể sinh trưởng và cho ra chất lượng tốt khi được trồng ở những vùng có điều kiện tương đồng.

Cây sâm Ngọc Linh là một trong những LSNG điển hình với giá trị kinh tế cao. Sâm Ngọc Linh được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Tỉnh Quảng Nam còn kiến nghị, Việt Nam nên xem xét xây dựng nền công nghiệp sâm như các nước khác để đưa sâm Ngọc Linh ra thế giới. Và bằng cách di thực sâm Ngọc Linh thành công, nhiều đồng bào DTTS có thể thay đổi cuộc sống ngay tại chính nơi mình sinh sống.

Đánh giá cao cách tiếp cận mới này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cơ hội phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ ở khu vực miền núi mà chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là điển hình đã khẳng định, nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao.

“Tôi đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ trên vùng DTTS và miền núi. Chỉ có đồng bào DTTS, những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn tài nguyên quý giá, là mái nhà chung, che chở cho người dân nơi đây và vùng hạ du. Vì vậy chúng ta phải có những chính sách hữu hiệu để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, người dân nơi đây yên tâm sống với rừng, làm giàu từ rừng, viết nên những câu chuyện huyền thoại, truyền cảm hứng làm giàu của những tỉ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh” – Phó Thủ tướng phát biểu.

Người dân Nam Trà My thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: LP

Thay đổi chích sách và thách thức từ nguồn lực tại chỗ

Di thực hay phát triển những dược liệu quý như sâm Ngọc Linh sẽ là câu chuyện rất dài trong tương lai và, các chính sách của Việt Nam cũng cần thay đổi để hỗ trợ cho hướng phát triển mới này. Ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra rằng, chính sách của Việt Nam liên quan đến lâm nghiệp và sinh kế của bà con vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đúng nhu cầu của người đồng bào DTTS, chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao, không dễ tiếp cận.

Từ đó, ông kiến nghị, cần hoàn thiện, tích hợp hệ thống chính sách về lâm nghiệp, gắn lâm nghiệp bền vững với sinh kế của đồng bào DTTS, tăng hiệu lực hiệu quả của chính sách, giảm đầu chính sách. “Đất lâm nghiệp chưa thực sự trở thành tài sản sinh kế của người DTTS, người dân còn thiếu đất thiếu rừng, chỉ có 11,5% số hộ gia đình DTTS được giao rừng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần có chính sách rừng sinh kế cho người dân, có định suất giao cho họ, thậm chí là cho vay để mua đất lâm nghiệp. Chúng ta sẽ phát triển theo hướng rừng bảo tồn có khai thác, hưởng lợi từ lâm sản ngoài gỗ và nếu được sẽ tiến hành cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng. Như vậy, chuyển từ việc nhà nước thuê người ta đến để giữ rừng thì nay người dân sẽ thuê lại rừng của nhà nước” – ông Điển nêu rõ.

Việt Nam cũng đang bị thiếu nguồn lực trong liên kết phát triển lâm nghiệp bền vững, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hợp tác công tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân có vai trò chủ đạo giúp các hộ gia đình, hợp tác xã. “Tư tưởng của chính sách này là 4 tăng 4 giảm. Bốn tăng là tăng số hạng mục trên một chính sách, tăng tính tổng thể, tài sản sinh kế, tài sản rừng và tính hợp pháp. Bốn giảm là giảm đầu chính sách giảm tập trung hóa, đồng nhất hóa, giảm ngân sách nhà nước. Trọng tâm của chính sách trong thời gian tới là cần hạch toán đầy đủ giá trị của rừng trong nền kinh tế, chuyển rừng thành một bộ phận trong tài sản sinh kế của người dân, cân bằng giữa sinh kế của người dân với lâm nghiệp bền vững và hỗ trợ tốt cho tiến trình lâm nghiệp môi trường, lâm nghiệp bảo tồn có khai thác” – ông Điển phát biểu.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Madhu Raghunath – Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững cho rằng, muốn thay đổi sinh kế cho đồng bào DTTS cần giải quyết những khó khăn về những nguồn lực tại chỗ. Cụ thể, người dân tộc không có nguồn vốn, thiếu kỹ năng, trình độ học vấn hạn chế. Bên cạnh đó, họ thiếu cơ sở vật chất do sống ở khu vực vùng sâu vùng xa, khoảng cách trung bình đến thành phố là 250km, chi phí vận chuyển cao. Cơ hội được tăng thu, đa dạng hóa sinh kế rất phù thuộc vào các nguồn lực khác của xã hội...

“Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư vào các chính sách, nguồn lực. Chúng tôi thấy rằng, phát triển kỹ năng là bắt buộc. Trong thời gian ngắn hạn, có thể tổ chức những lớp hướng nghiệp, tiếp cận với những phương pháp canh tác mới. Về dài hạn thì phải giải quyết việc bỏ học, tăng trình độ giáo dục. Đặc biệt, cần phải nâng cao vai trò của người dân, phải làm sao để giúp cho họ vẫn có thể sống và phát triển nhờ rừng. Họ có thể là người lao động, nhà thầu và họ cũng có thể là đối tác để có thể đạt được những giá trị cao nhất” – bà Madhu Raghunath chia sẻ.

thùy trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lam-san-ngoai-go-sinh-ke-moi-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-629739.ldo