Làm sao bứt ra khỏi 'vòng kim cô' điểm số, kiểm tra, thi cử, dạy thêm tràn lan?

Làm sao để bứt ra được những khuôn mẫu giống nhau, đã ăn sâu trong cách dạy và học, cách quản lý giáo dục?

Làm sao bứt ra khỏi “vòng kim cô” điểm số, kiểm tra, thi cử, dạy thêm tràn lan, học thuộc Văn “mẫu”, Toán “mẫu”, Lý “mẫu”, Ngoại ngữ “mẹo và mẫu”? Câu hỏi, cũng là thách thức đối với giáo dục nói chung. Nhân đây, tôi có mấy chia sẻ về thực trạng quản lý - dạy - học hiện nay theo quan điểm và hiện trạng... “cả nhà đồng phục”.

Chương trình “đồng phục”

Có chương trình tổng thể, chương trình chi tiết các môn học, chương trình địa phương, chương trình nhà trường, chương trình lớp/khối lớp,… Khi thực hiện, trừ một số rất ít trường, còn lại, theo “form” do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Mỗi địa phương, cơ sở giáo dục, học sinh luôn có sự khác biệt (có khi rất lớn) về năng lực, nguyện vọng, điều kiện thực hiện, đội ngũ, cơ sở vật chất, hoàn cảnh chung - riêng. Thực tế đó đòi hỏi cách thức đặc thù (chi phối từ chương trình nhà trường, chương trình của lớp,…) để hướng dẫn người dạy, người học - theo mục đích chung - với tốc độ và năng lực phù hợp. Khi “đồng phục” chương trình, giáo viên - học viên (người học) vô hình trung bị đẩy vào thế vận động viên, chính cuộc đua này là nguyên nhân gây căng thẳng trong quá trình dạy - học.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Sách giáo khoa “đồng phục”

Sẽ có bạn đọc nói ngay, có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn kia mà. Đúng như thế, nhưng xin thưa, việc mỗi địa phương, nhà trường chọn sách giáo khoa, đó là “đồng phục”. Sách giáo khoa ví như chất liệu (của giảng dạy, học tập) thì việc chọn là của mỗi thầy cô, phụ huynh, học sinh. Đằng này, kết quả phép chọn bằng một quyết định quản lý, sách giáo khoa trở thành “pháp lệnh thứ cấp”, đồng phục là ở chỗ đó.

Nội dung của một bài, một chương trong sách giáo khoa, qua giáo viên được truyền đến học sinh. Có nội dung quá tải, có thí nghiệm chưa thực hiện được, có yêu cầu chưa phù hợp. Học kiểu ý, khổ làm sao! Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn học sinh lớp 10 năm nay chuyển đổi tổ hợp môn tự chọn nếu có nguyện vọng. Khi triển khai cho học sinh chọn lúc mới vào lớp 10 đã rối, giờ lại chuyển tổ hợp môn tự chọn, rối rắm hơn! Đó là hệ lụy của sách giáo khoa “đồng phục”.

Phương pháp giảng dạy “đồng phục”

Mới đây, có địa phương tổ chức hội giảng liên huyện, rút kinh nghiệm, tạo cơ hội cho giáo viên học hỏi lẫn nhau khi giảng dạy lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiết dạy “chỉn chu”, phương pháp từ “tập” đến “diễn” được lặp đi, lặp lại cho thầy cùng trò. Thảo luận sau khi kết thúc tiết dạy, số đông người dự giờ… ngẩn ngơ. Cái riêng của mỗi người dự họp - chính là đặc điểm đơn vị nơi họ công tác - rất khác biệt.

Thực trạng này khiến thầy trò xoay như chong chóng vì dạy - học. Thiết nghĩ, khi mà từ phương pháp giảng dạy đến tổ chức lên lớp đã “méo mó” mục tiêu, dường như chăm chăm lo liệu “sở, phòng, trường an toàn”, quản lý vị an toàn, giảng dạy nặng “đồng phục” thì học sinh nặng gánh mỗi ngày đến trường. Phương pháp giảng dạy “đồng phục” dẫn đến chỉ đạo "thi thế nào - dạy học thế ấy”, và thi như vậy thì dạy thêm tràn lan như vậy. Học đã khổ, học thêm... khổ thêm!

Xếp loại “đồng phục”

Một phụ huynh có con học lớp 10 gọi điện cho tôi: “Thầy ơi, con em “rớt” học sinh giỏi rồi, do chưa đủ 6 môn trên 8.0”. Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, để đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh phải có kết quả rèn luyện được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên;

Theo cách hiểu của phụ huynh, học sinh giỏi thì phải có kết quả rèn luyện đánh giá mức Tốt và kết quả học tập được đánh giá mức Tốt (tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên). Việc đánh giá học sinh cần có tiêu chí chung, nhưng với yêu cầu xuất sắc, giỏi toàn diện như thế - biểu hiện của đồng phục - làm cho cuộc chạy đua vì thành tích thêm nặng nề. Quẩn quanh với yêu cầu trò “cái gì cũng phải giỏi”, nó như một áp lực “bom tấn” cho việc dạy - học - kiểm tra!

Ước mơ “đồng phục”

Không ít phụ huynh hiện nay đã xác định con đường học tập cho con em mình từ rất sớm. Tiểu học đến trung học, rồi đại học, sau đại học đều có sự định hướng, chọn trường lớp từ bố mẹ. Sở trường, ước muốn sau này của các em ra sao chưa được tính đến, một bộ phận học sinh chỉ học, học, và học vì … ba mẹ. Đến trường, các hoạt động tư vấn tâm lý học đường, hoạt động trải nghiệm, giáo dục hướng nghiệp cũng tổ chức quy mô “đồng phục”. Trò miễn cưỡng nghe, lặp lại (khi có kiểm tra) để được đánh giá Đạt. Thế thôi!

Mô hình "đồng phục" làm cho các em thấy bức bối, ở lứa tuổi mà sự phân định cảm tính - lý tính chưa thể tạo những gạch ngang rạch ròi thì dồn nén, tăng áp lực học là vậy.

Những khảo sát gần đây đưa ra các con số đáng báo động về học sinh bị trầm cảm, học sinh béo phì, bạo lực học đường, sự manh động của giới trẻ,… có nhiều nguyên nhân, trong đó, học sinh chưa thật sự được phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp với bản thân là nguyên nhân cốt lõi.

Giáo dục phổ thông dù ở ta hay Tây đều hướng đến đào tạo lớp trẻ khỏe về thể chất, trong về tâm hồn, sáng về phẩm cách, giàu về khát vọng, mạnh mẽ về cống hiến. Và, điều này sẽ mong manh khi vẫn còn tâm lý “cả nhà đồng phục”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lam-sao-but-ra-khoi-vong-kim-co-diem-so-kiem-tra-thi-cu-day-them-tran-lan-post232522.gd