Làm sao để đi ngoài dễ dàng khi bị táo bón?

Táo bón là tình trạng nhiều người gặp phải, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Vậy làm sao để đi ngoài khi bị táo bón?

Táo bón là tình trạng khó đi đại tiện, phân khô cứng, vài ngày mới đi vệ sinh một lần. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng để tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh trĩ, giảm chất lượng cuộc sống. Vậy làm sao để đi ngoài khi bị táo bón?

1. Táo bón là gì? Nguyên nhân gây táo bón?

Táo bón là tình trạng rối loạn đường tiêu hóa, khiến việc đi đại tiện khó khăn do gặp phải hiện tượng phân khô cứng, phân không đều, phải rặn rất nhiều lần. Hoặc có thể hiểu rằng táo bón là trạng thái đi đại tiện dưới 3 lần/tuần đối với người lớn và khoảng 1 tuần không đi đại tiện với trẻ em.

Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng táo bón như sau:

- Do chế độ ăn uống không phù hợp, thiếu nhiều chất xơ

- Cơ thể không được bổ sung nước, thiếu nước

- Không vận động, ít thể dục

- Thói quen sinh hoạt hằng ngày thay đổi đột ngột

- Nhịn đại tiện lâu ngày

- Tác dụng phục của một số loại thuốc như giảm đau, chống tăng huyết áp…

- Có thể do thay đổi nội tiết tố

- Do một số bệnh liên quan tới thần kinh, trực tràng

- Do quá lạm dụng thuốc nhuận tràng

2. Làm sao để đi ngoài khi bị táo bón?

Nếu gặp tình trạng táo bón lâu ngày, bạn nên có hướng giải quyết để đảm bảo sức khỏe cho hệ tiêu hóa. Dưới đây là một số cách để đi ngoài dễ hơn khi bị táo bón:

(Lưu ý, dưới đây chỉ là cách gợi ý mang tình chất tham khảo không thể thay thế cho những lời khuyên từ bác sĩ)

2.1. Uống nhiều nước ấm

Khi cơ thể được bổ sung nước ấm sẽ giúp ruột được khởi động và kính thích làm mềm phân tốt hơn, từ đó hỗ trợ việc đẩy phân di chuyển bên trong trực tràng dễ hơn.

Uống nước ấm giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn khi bị táo bón (Ảnh: Internet)

Uống nước ấm giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn khi bị táo bón (Ảnh: Internet)

Bạn nên duy trì uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày để việc tiêu hóa có thể được hoạt động tốt hơn, đảm bảo sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, nếu kết hợp việc sử dụng nước ấm với bữa sáng giàu chất xơ từ yến mạch, ngũ cốc hay các loại hạt, thì phần nhu động ruột sẽ được kích thích tốt hơn, giảm được tình trạng táo bón.

2.2. Sử dụng nguyên liệu tự nhiên

Để đi vệ sinh dễ dàng hơn khi bị táo bón, bạn có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ việc đi đại tiện dễ dàng hơn:

- Uống nước chanh: Chanh là loại quả có vị chua, giàu vitamin C, tác dụng thanh nhiệt, trị ho, sát trùng và có lợi cho đường tiêu hóa. Có thể sử dụng uống nước chanh trước khi ngủ và sau khi thức dậy sẽ giúp đào thải cặn bã tốt nhất. Tuy nhiên, những người bị đau dạ dày nên cân nhắc khi lựa chọn phương pháp này, vì axit trong chanh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau dạ dày.

- Nước ép mận hoặc mận khô: Mận là loại quả có thể giúp nhuận tràng, kích thích sự vận động của ruột. Đây là một trong những cách tự nhiên, an toàn, giúp việc đi vệ sinh có thể đơn giản hơn.

- Phan tả diệp: Hay còn được gọi là tiêm diệp, có vị ngọt đắng, có tác dụng giúp giải nhiệt, nhuận tràng, kích thích hệ tiêu hóa. Có thể sử dụng 20-30g lá khô để hãm lấy nước uống. Tuy nhiên cách này không áp dụng với phụ nữ có thai và cho con bú.

- Dầu ô liu: Các axit béo trong dầu oliu rất giống với dầu bôi trơn, có tác dụng làm mềm phân, giúp phân di chuyển trong ruột xuống trực tràng dễ dàng hơn.

2.3. Thay đổi tư thế ngồi trên bồn cầu

Tư thế ngồi trên bồn câu khi đi vệ sinh cũng là một trong những cách để đi ngoài dễ hơn khi bị táo bón.

Khi đi vệ sinh ngồi ở tư thế bình thường, cơ thắt hậu môn mới chỉ được thả lỏng một phần. Thế nhưng nếu bạn áp dụng cách ngồi xổm, cơ thắt hậu môn sẽ được thả lỏng hoàn toàn, từ đó giúp việc đào thải chất cặn bã, phân ra ngoài dễ dàng hơn.

Thay đổi tư thế ngồi bồn cầu giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn khi bị táo bón (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, hầu hết các loại bồn cầu hiện nay là bệ ngồi. Vì vậy, để áp dụng cách này bạn có thể sử dụng một chiếc ghế nhỏ cao khoảng 20cm, kê ở phần dưới chỗ để chân rồi đặt chân lên đó.

2.4. Thức dậy sớm hơn

Buổi sáng là thời gian tốt nhất để đi vệ sinh do lúc này đại tràng thường được kích thích tốt hơn. Chỉ ngay sau khi cơ thể thức dậy, đại tràng đã co bóp ngay lập tức và phát tín hiệu đến não bộ. Lúc này, bạn nên đi vệ sinh sớm, không nên nhịn.

2.5. Massage vùng đáy chậu

Vùng đáy chậu là vùng nằm giữa phần hậu môn và cơ quan sinh dục. Việc massage vùng đáy chậu sẽ tạo áp lực giúp thư giãn những bộ phận tại đó, làm cho việc đi vệ sinh đơn giản hơn.

Ngoài ra, cũng có thể áp dụng cách massage vùng bụng, di chuyển theo chiều kim đồng hồ, từ phần hố chậu hướng lên trên bên trái rồi xuống dưới, giúp kích thích ruột hoạt động, đi vệ sinh dễ dàng hơn.

2.6. Tưởng tượng về việc đi vệ sinh

Hãy tưởng tượng về việc đi vệ sinh để giúp việc đi ngoài khi bị táo bón dễ dàng. Nghe thì có vẻ khó tin thế những thực tế khi áp dụng lại có những kết quả bất ngờ.

Lý giải của việc này là khi kết hợp giữa nhận thức và cơ thể sẽ làm cho sàn xương chậu được thả lỏng hơn, từ đó giúp việc đi đại tiện sẽ bớt khó khăn hơn.

2.7. Sử dụng thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng là giải pháp khắc phục tình trạng táo bón nhanh chóng nhất. Thế nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. Bởi cũng có một số loại thuốc nhuận tràng nếu sử dụng lâu dài có thể gây tác dụng phụ như mất nước, mất cân bằng điện giải …

Sử dụng thuốc nhuận tràng giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn khi bị táo bón (Ảnh: Internet)

Vậy nên đây là cách cuối cùng để áp dụng và không được lạm dụng. Nếu việc sử dụng thuốc nhuận tràng mà vẫn không có tác dụng, trong khoảng thời gian 1-2 tuần thì cần tới thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất.

3. Khi nào thì cần tới gặp bác sĩ?

Trong trường hợp người bệnh bị táo bón mà đã áp dụng một trong những cách trên, khoảng từ 1 tuần trở lên mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc có kèm theo các biểu hiện sau đây thì cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời:

- Đi đại tiện khó khăn, có kèm theo máu đỏ lẫn trong phân

- Phân có màu đen, mùi tanh như máu

- Táo bón kèm theo việc không thể trung tiện được

- Xuất hiện tình trạng đau bụng với mức độ đau tăng dần không đỡ

- Táo bón kèm theo tình trạng buồn nôn, nôn

Ngoài ra, người bệnh bị táo bón thường xuyên nên thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế thực phẩm cay nóng, chiên rán, duy trì lối sống lành mạnh.

Trên đây là những cách để đi ngoài khi bị táo bón. Táo bón có thể ảnh hưởng tới cơ thể như nứt hậu môn, bệnh trĩ. Do đó, khi gặp tình trạng táo bón nên có hướng cải thiện nhanh chóng. Việc cân bằng chế độ ăn uống, lối sống khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả.

Nguyễn Lương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lam-sao-de-di-ngoai-de-dang-khi-bi-tao-bon-412022139134610200.htm