Làm sao để đòi nợ 'an toàn' không phạm luật, tránh xung đột dẫn đến án mạng đau lòng?

Để giải quyết mâu thuẫn tiền bạc, thay vì khởi kiện ra TAND, nhiều người lại sẵn sàng xuống tay với 'con nợ', người mình mâu thuẫn, cho dù người đó cùng chung dòng máu với mình. Các vụ trọng án vừa xảy ra ở Thái Nguyên, Đan Phượng hay Bình Dương là những ví dụ điển hình. Ngoài yếu tố coi thường pháp luật, côn đồ, thích dùng 'luật rừng' của một số đối tượng, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cũng vì bởi quá trình giải quyết một vụ kiện dân sự mất khá nhiều thời gian và tiền bạc. Trong khi đó, không phải ai cũng hiểu luật để thực hiện quyền khởi kiện của mình...

Nghi phạm Nguyễn Văn Đông (đánh dấu nhân) trong vụ trọng án ở Đan Phượng (Hà Nội).

Nghi phạm Nguyễn Văn Đông (đánh dấu nhân) trong vụ trọng án ở Đan Phượng (Hà Nội).

Nguồn cơn nào dẫn đến những vụ án đau lòng?

Thời gian gần đây đã có không ít những vụ án đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn tài sản; anh em ruột sẵn sàng đâm chém nhau không thương tiếc chỉ vì tranh giành đất đai hay vay mượn tiền bạc, để lại những hậu quả khôn lường, gây ám ảnh trong quần chúng nhân dân.

Mới đây nhất là vụ vì mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền bạc mà anh trai truy sát nhà em gái ruột khiến 2 người tử vong ngày 14/9 ở thị trấn Chùa Hang, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu và có biện pháp nào để hạn chế những vụ việc tương tự?

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Thực tế quy định của pháp luật về việc cho vay tiền hiện nay còn rất lỏng lẻo, vô tình tạo ra các kẽ hở để người vay tiền có thể không trả nợ mà cũng không bị làm sao. Thậm chí có những trường hợp nếu đưa ra pháp luật dù thắng kiện thì khi thi hành án đối tượng vay nợ cũng không còn tiền trả. Không ít trường hợp đã cố tình tẩu tán tài sản bằng cách để người thân đứng tên hòng không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Dù Bộ luật Hình sự mới có thắt chặt hơn vấn đề này, tuy nhiên việc xử lý vẫn phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng khi xác định vụ việc đó là hình sự hay dân sự.

Chính vì thế, người vay tiền cố tình chây ì, hoặc chỉ trả nhỏ giọt để vụ việc chỉ là dân sự. Luật sư Hùng cho rằng nếu pháp luật quy định cho phép chủ nợ được lựa chọn hình thức tố tụng thì lúc đó các con nợ sẽ phải tìm mọi cách để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không dám trốn tránh nếu không muốn bị xử lý hình sự. Tương tự, những sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai, khiếu kiện kéo dài bắt nguồn từ việc quản lý yếu kém, không dứt điểm và quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, gây bức xúc cho người dân. Trong quá trình tự loay hoay xử lý, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn về đất đai, người dân không tránh được bức xúc nhất là khi đối phương, thách thức...

Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật, không có người tư vấn, hướng dẫn nên dễ dẫn đến việc hành xử thiếu sáng suốt, mất bình tĩnh, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là vô cùng nghiêm trọng. Theo luật sư Hùng, đây là những bất cập hiện nay khiến người dân bức xúc, mất lòng tin, lựa chọn giải pháp tự giải quyết bằng vũ lực. Hay nói cách khác khi mâu thuẫn, sự bức xúc đã lên đến đỉnh điểm rồi, lại thêm tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn nên người dân quẫn trí, làm liều để xả bực tức, để quyết liệt đòi nợ.

Luật nên theo hướng đơn giản, rút gọn?

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, quy trình để giải quyết một vụ kiện đòi tài sản ở giai đoạn sơ thẩm tối đa là 6 tháng, kể từ khi thụ lý vụ án. Tuy nhiên, để hồ sơ khởi kiện đòi tài sản được thụ lý còn phải mất nhiều thời gian trước đó.

Nghĩa là nếu theo luật, từ khi bắt đầu khởi kiện cho đến khi có bản án của Tòa án cấp sơ thẩm về việc giải quyết vụ án phải mất khoảng 7, 8 tháng. Đó là thời hạn giải quyết một vụ kiện đòi tài sản theo luật còn trên thực tế, thời gian giải quyết thường bị kéo dài hơn. Những vụ kiện dân sự thông thường thường phải 1 năm, thậm chí 2 đến 3 năm mới xong giai đoạn sơ thẩm.

Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nhưng nói chung đây là tình trạng phổ biến và nhiều khi nằm ngoài mong muốn của những người có thẩm quyền xét xử. Khi vụ án được xét xử sơ thẩm xong, một trong các bên đương sự có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm. Vậy là các đương sự lại tiếp tục hành trình theo kiện dài dằng dặc. Có những vụ án kéo dài đến cả chục năm mà vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đó là chưa kể quy trình thi hành án cũng mất khá nhiều thời gian.

Luật sư Thanh phân tích: “Chính vì quá trình đòi nợ theo con đường tố tụng mất quá nhiều thời gian, công sức như vậy, nên đã khởi phát tâm lý chán nản, mệt mỏi đối với người đòi nợ. Vì thế không ít chủ nợ lựa chọn con đường khác ngoài việc khởi kiện để đòi nợ, ví dụ như thuê xã hội đen, đầu gấu đòi nợ thuê, hoặc tự sử dụng biện pháp vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để buộc con nợ phải trả nợ... Việc đòi nợ theo các hình thức này tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đã có rất nhiều vụ án đau lòng xảy ra xuất phát từ nguyên nhân nợ nần không được giải quyết bằng con đường pháp luật. Chẳng hạn như con nợ bị các đối tượng đòi nợ thuê khủng bố tinh thần, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; hoặc chủ nợ gây thương tích, tước đoạt tính mạng người thân của con nợ mà vụ án xảy ra ở Thái Nguyên vừa qua là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy mà nhiều chủ nợ chọn giải pháp đòi nợ phạm pháp như trên”.

“Nếu muốn hạn chế được các nguy cơ tiềm ẩn phát sinh liên quan đến việc giải quyết nợ nần, Nhà nước cần nghiên cứu mô hình tố tụng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng hơn hiện nay. Khi người dân thấy rằng đòi nợ bằng pháp luật sẽ hiệu quả, an toàn hơn các biện pháp khác, chắc chắn họ sẽ lựa chọn giải pháp đó. Khi thực hiện quyền đòi nợ chính đáng của mình, người dân phải lường trước được những rủi ro mà bản thân sẽ gặp phải nếu không đòi nợ đúng luật”, luật sư Thanh nhấn mạnh.

Luật sư Thanh cũng cho rằng, hiện nay tại một số Tòa án trên cả nước đang thí điểm cơ chế hòa giải tại trung tâm hòa giải, đối thoại. Không ít yêu cầu khởi kiện đòi nợ đã được giải quyết tại các trung tâm này trong thời gian ngắn. Không những vậy, chủ nợ còn không phải nộp các loại tiền mà trước đây nếu khởi kiện, họ sẽ phải nộp như tạm ứng án phí, án phí, chi phí thẩm định, giám định, định giá... Vì thế, khi có nhu cầu đòi nợ, người dân nhất định phải nghĩ đến việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án đầu tiên trước khi tính đến phương án khác. Giải quyết nhanh là yêu cầu tiên quyết...

Trao đổi về vấn đề trên, nguyên Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao, ông Lương Quang Tuấn đánh giá: Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là một chế định tiến bộ trong pháp luật tố tụng dân sự. Ở Việt Nam, thủ tục này lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, hiện thực hóa nhiệm vụ cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay.

Mục đích của việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Tuy nhiên, do là quy định mới nên thực tiễn áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định. Thực tế thì nhiều người khi khởi kiện ra tòa vẫn còn bị gây khó khăn, sách nhiễu dẫn tới việc người khiếu kiện bức xúc cả với chính quyền và với cả người bị kiện. Từ đó, dẫn tới nhiều vụ án đau lòng là anh em ruột đâm chém nhau...

Là một người có nhiều kinh nghiệm công tác trong ngành pháp luật, ông Tuấn kiến nghị: Đối với tất cả các vụ án dân sự, yêu cầu tòa xem xét, thụ lý và giải quyết nhanh chóng, kịp thời để người dân yên tâm. Quá trình giải quyết cần phải áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo quy định của pháp luật, xác minh đầy đủ. Với nhưng vụ án về tranh chấp đất đai, cần phải kết hợp với chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc đất là của ai, để từ đó giải quyết nhanh chóng, dứt điểm tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên khởi kiện và bên bị kiện.

Ông Lương Quang Tuấn cũng nhấn mạnh một nội dung rất quan trọng đó là: Đề nghị tòa án khi xem xét, thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, dân sự thì cần giải quyết nhanh chóng, công tâm, công bằng, đúng pháp luật để tránh những mâu thuẫn trong nhân dân cũng như hậu quả không mong muốn xảy ra.

Đỗ Chang- Tư Viễn

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 156

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/lam-sao-de-doi-no-an-toan-khong-pham-luat-tranh-xung-dot-dan-den-an-mang-dau-long-a295661.html