Làm sao để giảm việc 'giải cứu' nông sản?

Đề cập đến một loạt các cuộc giải cứu nông sản thể hiện sự lúng túng của nông dân và cơ quan quản lý trong tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm và sự bất cập trong đào tạo nghề cho nông dân, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có giải pháp căn cơ để giải quyết…

Đặt câu hỏi làm sao để giảm bớt giải cứu nông sản, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu ví dụ, diện tích cây ăn quả có múi hiện nay khoảng trên 90.000 ha, cung vượt cầu rất xa. Điều này khiến ai cũng thấy được nguy cơ phải tiến hành giải cứu trong tương lai.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do trong chừng mực nhất định có những lúc thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa. Cây ăn quả dự báo cả nước có 185.000ha, riêng Hà Tĩnh có 9.200 ha, trong đó có 7.000 ha cam và 220 ha bưởi.

Giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang. Bắc Giang có 30.000 ha vải, nhưng nhờ tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ, đẩy mạnh vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa nên đã giải quyết được vấn đề đó.

Về lâu dài, ngành cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào chế biến, nhưng gặp khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả khá phân tán.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) về chính sách đào tạo nghề, bảo vệ người lao động nông thôn không bị yếu thế ngay tại sân nhà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng cường, gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp.

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu, từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo cho đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ, đào tạo gắn với sử dụng một cách có hiệu quả gắn với thị trường, đảm bảo có thị trường tiêu thụ bền vững, hạn chế tối đa giải cứu.

Cùng với đó, phải tập trung đào tạo bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như: kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp. Trên cơ sở đó, tháng 12 này, Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề đào tạo nghề nông thôn.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, hiện nay, ở nông thôn, đa phần là người già, trẻ em, người trung niên. Với công nghệ ngày càng phát triển như vậy, việc thất nghiệp ngay tại mảnh đất của mình vẫn xảy ra và diễn ra hằng ngày. Do vậy, cần có giải pháp nào thật sự đột phá để tạo được công ăn việc làm cho người lao động, cho người nông dân ngay tại mảnh đất của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu thực tế, 3 năm qua, Việt Nam đã huy động được gấp 3 lần số doanh nghiệp, gấp 3 lần số hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp.

Riêng trong năm 2018, hơn 10.000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, một nhà máy rau quả tại Tây Ninh được đầu tư tới 1.800 tỷ đồng, một nhà máy chế biến thực phẩm thịt lợn đầu tư tới 1.200 tỷ đồng tại Hà Nam.

Sự đầu tư mạnh ấy đã góp phần đưa nông nghiệp từ tăng trưởng âm của năm 2016 đến 3,65% trong năm 2018. Giá trị xuất khẩu năm 2018 đến hết tháng 10, dự báo sẽ đạt 40 tỷ đồng.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Theo đại biểu, lợi tức từ nông nghiệp hiện vẫn thấp hơn các ngành khác. Do đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/lam-sao-de-giam-viec-giai-cuu-nong-san/20181031032326682