Làm sao để hạnh phúc?

Đi tìm quy chuẩn cho hạnh phúc chẳng khác nào giải một phương trình nhưng cho kết quả vô số nghiệm...

Có ai đó từng nói rằng “hạnh phúc giống như khi giải một phương trình mà kết quả vô số nghiệm”, mà cũng đúng như thế. Hạnh phúc với người này là có đôi giày đẹp để mặc, nhưng với người kia ước có đôi chân để mặc giày.

Hạnh phúc với tôi là hoàn thành công việc mỗi ngày, đến tháng có lương, còn với bạn là ngôi nhà mới, là đứa con đầu lòng...chẳng ai giống ai.

Tôi và chúng ta có thể là vậy, nhưng với nhà bác học Einstein thì “Ba điều trong số những cố gắng của con người: Của cải, sự thành đạt bề ngoài, sự xa hoa đối với tôi luôn luôn là đáng khinh bỉ”.

Thế nên có hàng ngàn cắt nghĩa khác nhau về hạnh phúc, đọc qua ai cũng thấy có lý, ngàn lý vạn lý khác nhau, nên cho đến bây giờ loài người đã tiến sâu vào vũ trụ nhưng làm cách nào để hạnh phúc mãi là phân số chưa tìm ra mẫu số chung.

Hạnh phúc đôi khi là điều lớn lao nhưng nhiều lúc rất bé nhỏ gần gũi

Hạnh phúc đôi khi là điều lớn lao nhưng nhiều lúc rất bé nhỏ gần gũi

Giả sử ta lấy hệ quy chiếu của nhà Phật với quan điểm “đời là bể khổ”. Vì sao nên lấy đó làm điểm chuẩn? Vì cách đây hàng ngàn năm, những bộ óc tinh túy nhất thế giới - các nhà Triết học - khoa học của mọi khoa học, luôn tìm cách để giúp con người hạnh phúc, thoát khổ.

Những người Nho giáo xem hạnh phúc của người quân tử là được cống hiến cho xã hội, lập được công danh, đỗ đạt thành tài vinh quy bái tổ, rạng danh gia tộc. Là “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”

Khổng Tử đã từng phân biệt quan niệm về hạnh phúc của người quân tử với quan niệm của kẻ tiểu nhân. Ông nói: “Quân tử nghĩ đến đức, tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở; quân tử quan tâm đến phép tắc, tiểu nhân quan tâm đến ân huệ”

Trái lại, những người tin tưởng Đạo gia lấy “vô vi” làm mãn nguyện, là nhàn hạ, hòa hợp với tự nhiên. Nhưng vô vi/ hạnh phúc của họ có nghĩa là “không làm gì mà không gì không làm.

Họ hài hòa với thiên nhiên có nghĩa là họ đang âu yếm ngôi nhà của mình, họ không chặt rừng, đốn củi, đào sông lấp biển để làm lợi, nhưng không có nghĩa là không buộc thiên nhiên phục tùng mình!

Sau này, với những người “vô vi” nhập thế, sống hạnh phúc là sống thanh đạm, biết đủ, biết dừng, không tham lam, không bon chen, không cạnh tranh. Lối sống này cũng trở thành nguyên tắc của nhiều người trí thức khi chưa gặp thời hoặc khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với xã hội.

Sở dĩ, nói đến Nho - Lão - Phật là bởi Việt Nam có thời kỳ “tam giáo đồng nguyên” rất rực rỡ về mặt tư tưởng trị vì xã hội. Ngày nay, mặc dù đã tiếp thu Triết thuyết Mác-Lênin, Tư tưởng Bác Hồ, nhưng đâu đó trong cuộc sống hàng ngày “tam giáo” kia vẫn rất dễ bắt gặp.

Người theo Phật lấy bao dung làm hạnh phúc, kẻ sùng Nho thấy thanh cao làm lẽ sống, giới mộ Lão chọn tối giản để an vui. Đó là các kiểu đối diện với đời, bây giờ ít phổ biến nhưng nếu tinh mắt vẫn bắt gặp ở Việt Nam.

Quay lại với triết lý nhà Phật, vì cho “đời là bể khổ” nên “buông bỏ” chính là cách duy nhất đi đến hanh phúc, nhưng hạnh phúc không ở thực tại mà là ở cõi Niêt bàn.

Với những người cộng sản rường cột như Marx, Engels, Lênin, đến Bác Hồ, hạnh phúc là của con người trước hết phải là hạnh phúc của những cá nhân con người đang sống. Đó là hạnh phúc cụ thể chứ không trừu tượng, chung chung.

Hạnh phúc cá nhân làm nên hạnh phúc cộng đồng, gắn chặt với cộng đồng chứ không tách rời, khu biệt. Quan điểm này là một sự tiến bộ rất dài so với người đi trước.

Nhưng một lần nữa vẫn phải quay về với tiên đề đặt ra: Làm gì để đạt được hạnh phúc này? Để viết “Tuyên ngôn độc lập” Bác Hồ dẫn ra Hiến pháp Mỹ; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp...

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Như vậy, bản thân hạnh phúc là một sự “mưu cầu”, tức là làm sao để thực hiện cho được điều mong muốn tốt đẹp...

Nhưng làm sao để có hạnh phúc?

Ngày nay, đa số lấy thỏa mãn nhu cầu, đạt được mục đích làm khoái cảm hạnh phúc. Nhưng dần dà thứ khoái cảm này cũng mất đi, rồi con người lại đối diện với niềm bất hạnh.

Ví như khi ở công sở được sếp khen xử lý tốt nhiệm vụ, ta thấy hạnh phúc miên man, nhưng về đến nhà mụ vợ cằn nhằn làm ta mỏi mệt, thứ hạnh phúc mong manh ấy tiêu tan.

Thế nên, nhiệm vụ của khoa học là kéo dài hạnh phúc, hay nói cách khác trang bị cho con người thế giới quan để luôn lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh. Đó là hạnh phúc vậy.

Ở bài viết nhỏ này, xin đặt ra một vấn đề cỏn con như sau: Thay vì chờ kết quả để rồi hạnh phúc, tại sao không cảm thấy hạnh phúc ngay trong quá trình thực hiện công việc ấy?

Vì hạnh phúc giống như một loại tế bào có cơ chế sinh trưởng, lây lan giống như phân hạch nguyên tử, vui lây, mừng lây, hạnh phúc lây...là bởi thế.

Khi con người ta bắt đầu công việc bằng niềm hạnh phúc, tin tưởng thì nhất quyết sẽ có hạnh phúc nhân đôi, nhân ba...nằm đợi cuối quá trình ấy. Không tin, bạn cứ thử một lần xem sao!

Ngược lại, điều bất hạnh lớn nhất đối với con người là thiếu mục đích, thiếu lý tưởng, không có gì để phấn đấu trong cuộc sống.

Xem ra, đôi giày, ngôi nhà mới, tiền bạc...chưa phải là hạnh phúc thực thụ bởi nó quá bé nhỏ không thể chống chọi với nỗi khổ đau trùng trùng điệp điệp trong kiếp nhân sinh.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lam-sao-de-hanh-phuc-169059.html