Làm sao để không có mụn ở tuổi dậy thì?

Xuất hiện mụn trứng cá ở tuổi dậy thì là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đây lại là nỗi phiền toái của tất cả các bạn trẻ vì mụn không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn làm bạn thiếu tự tin.

1. Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì

Nội dung:

1. Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì
2. Các loại mụn phổ biến ở tuổi dậy thì
3. Làm sao để không có mụn ở tuổi dậy thì?

Mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Bước vào tuổi dậy thì, lượng hormone giới tính Androgen gia tăng trong cơ thể, thậm chí trở nên dư thừa thúc đẩy hoạt động mạnh mẽ hơn của tuyến bã nhờn khiến da sản sinh ra nhiều dầu hơn. Kết quả dẫn đến tắc lỗ chân lông và vô tình tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây mụn.

Bên cạnh đó, theo các bác sĩ da liễu, mụn ở tuổi dậy thì còn do một số nguyên nhân khác gây nên như:

- Vệ sinh da mặt chưa kỹ: việc vệ sinh da mặt chưa kỹ sẽ khiến dầu thừa bị tắc nghẽn trong lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển. Thêm vào đó, nếu bạn không tẩy da chết thường xuyên (1-2 lần/tuần), các tế bào chết này sẽ dính chặt trên bề mặt da và bít lỗ chân lông. Sau đó, chúng sẽ kết hợp với dầu nhờn và vi khuẩn gây nhiễm trùng da.

- Thức khuya, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, rối loạn kinh nguyệt, căng thẳng do áp lực học tập, thiếu vitamin, khoáng chất, dị ứng mỹ phẩm... cũng là những tác nhân gây mụn ở tuổi dậy thì.

Mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. (Ảnh: Internet)

Mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. (Ảnh: Internet)

2. Các loại mụn phổ biến ở tuổi dậy thì

Mụn ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện ở một số dạng như:

- Mụn đầu đen: thường xuất hiện ở mũi, màu đen của loại mụn này không phải do màu của bụi bẩn hình thành mà do tế bào chết, vi khuẩn và vật chất phản ứng với oxy.

- Mụn đầu trắng: xuất hiện do lỗ chân lông bị tắc nghẽn

- Mụn bọc: Nếu thành lỗ chân lông mở ra và cho phép bã nhờn, vi khuẩn và tế bào da chết chui vào dưới da có thể gây ra một vết sưng đỏ nhỏ gọi là mụn bọc. Đôi khi mụn có đầu chứa đầy mủ do phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm vi khuẩn.

- U nang: xuất hiện do lỗ chân lông bị tắc gây ra mụn nhọt sâu, có mủ.

3. Làm sao để không có mụn ở tuổi dậy thì?

Bước vào tuổi dậy thì, chắc hẳn các bạn đều sẽ đặt câu hỏi “làm sao để không có mụn ở tuổi dậy thì?” khi thấy trên khuôn mặt mình bắt đầu xuất hiện một vài nốt mụn. Mọc mụn ở tuổi dậy thì là điều khó tránh, tuy nhiên vẫn có những cách có thể giúp bạn ngăn ngừa mụn trong giai đoạn phát triển nhạy cảm này.

- Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch da mặt 2 lần/ngày.

Vệ sinh da mặt hằng ngày giúp ngăn chặn mụn phát triển. (Ảnh: Internet)

- Không nên sử dụng khăn mặt chà xát da mặt mạnh vì việc này không thể làm sạch mụn mà còn khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn do gây kích ứng da và lỗ chân lông.

- Nếu bạn trang điểm hoặc dùng kem chống nắng, hãy nhớ tẩy trang thật kỹ trước khi dùng sữa rửa mặt mỗi ngày.

- Nếu bạn sử dụng keo xịt hoặc gel xịt tóc, nên xịt tránh xa mặt của bạn vì những loại gel và keo xịt tóc đó cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu bạn có mái tóc dài hãy gội đầu thường xuyên để tránh tiết dầu nhờn.

- Nếu công việc của bạn khiến bạn phải tiếp xúc với dầu - chẳng hạn như trong nhà hàng thức ăn nhanh hoặc trạm xăng - hãy rửa mặt sạch khi về nhà. Bạn cũng có thể rửa mặt sau khi tập thể dục.

- Bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng da có chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide để giúp ngăn ngừa mụn và làm sạch mụn đồng thời. Lưu ý nên sử dụng theo hướng dẫn và đúng liều lượng, nếu có dấu hiệu dị ứng bạn nên ngừng sử dụng và đi khám ngay.

- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất, nhiều hoa quả, tránh ăn quá nhiều đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ...

- Tuyệt đối không nặn mụn vì việc làm này thường sẽ không giải quyết được vấn đề mà nó thực sự có thể đẩy các chất bị nhiễm trùng và mủ vào sâu hơn trong da, dẫn đến sưng tấy và đỏ hơn, thậm chí có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.

Nhìn chung mụn ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau. Tùy từng tình trạng mà phụ huynh cần đưa con tới các cơ sở da liễu uy tín để thăm khám và điều trị.

Nguồn tham khảo:

1. Can I Prevent Acne?

2. What Can I Do About Acne?

3. Prevent, Treat and Overcome Teenage Acne

Phạm Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lam-sao-de-khong-co-mun-o-tuoi-day-thi-4120222268032537.htm