Làm sao để kiểm soát xe cá nhân?

'Tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.HCM, Hà Nội còn phức tạp. Trong khi đó, công tác tổ chức giao thông thiếu sự ổn định và lâu dài…'.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại hội nghị thúc đẩy giao thông công cộng bền vững, chia sẻ kinh nghiệm từ Thụy Điển và Việt Nam, do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp TP Hà Nội tổ chức ngày 7-5 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam có bước phát triển. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại có 1.000 km đường cao tốc, hệ thống cảng hàng không, cảng biển, thủy nội địa và các hệ thống giao thông tĩnh như bến xe, đường tỉnh lộ đã được đầu tư nâng cấp hiện đại giúp hoạt động giao thông thuận tiện. Chất lượng vận tải đường sắt, đường bộ, hàng không… được đầu tư và cải thiện ngày càng tốt hơn theo hướng hiện đại.

Buổi hội đàm song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển. Ảnh: VIẾT LONG

Đặc biệt, hệ thống vận tải công cộng được quan tâm phát triển. “Tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, các tuyến metro đang xây dựng, xe buýt đã phát triển về số lượng và chất lượng…” - ông Thọ thông tin.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Thọ thừa nhận hiện nay hệ thống giao thông Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị, chính điều này ảnh hưởng đến phát triển giao thông công cộng mang tính bền vững. Quỹ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo yêu cầu đối với sự phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội.

Tiếp đó là sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân. Năm 2017 cả nước có 3,7 triệu xe ô tô và 55 triệu xe máy. Trong đó TP.HCM năm 2017 có tám triệu phương tiện; TP Hà Nội trên sáu triệu phương tiện…

Bên cạnh đó, vỉa hè còn bị chiếm dụng, thiếu quy hoạch bến xe, điểm dừng, đỗ. Công tác tổ chức giao thông thiếu sự ổn định và lâu dài. Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành còn nhiều bất cập.

“Hiện nay chúng tôi đang bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tổ chức, điều tiết, quản lý giao thông. Trong đó TP.HCM, TP Hà Nội và các TP lớn đang tập trung xây dựng các trung tâm điều hành giao thông phù hợp với sự phát triển… nhưng vẫn còn nhiều khó khăn” - ông Thọ khẳng định.

Trước những khó khăn trên, các công ty công nghệ đến từ Thụy Điển cho rằng để giải bài toán thiếu quỹ đất, ùn tắc giao thông… Việt Nam cần ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo đó, phải thiết lập hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt trong việc thiết kế hệ thống đỗ, nơi đỗ... bên cạnh đó phát những cảnh báo sớm về nơi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, điểm ngập nước… nhằm giúp tài xế tránh khu vực trên.

Đặc biệt, điều chỉnh tín hiệu giao thông linh hoạt. “Ví dụ, khi một làn đường bị tắc, tất cả xe đang dừng sẽ báo đến hệ thống và các xe này sẽ tập hợp thông tin, theo đó tín hiệu đèn xanh sẽ được duy trì để làn đường này được khơi thông, còn các làn đường có lượng xe ít hơn phải chờ…” - đại diện một công ty Thụy Điển nêu ra một giải pháp.

Cũng theo các chuyên gia công nghệ Thụy Điển, với các công nghệ đang có sẽ góp phần giúp giao thông Việt Nam tốt hơn trong tương lai. Đó là mục tiêu biến giao thông công cộng thành lựa chọn ưu tiên bên cạnh kiểm soát tăng trưởng xe cá nhân và nâng cao chất lượng giao thông đô thị.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/lam-sao-de-kiem-soat-xe-ca-nhan-769233.html