Làm sao để tham khảo mức độ an toàn của các hãng hàng không?

Cho đến nay, nguyên nhân khiến máy bay hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) rơi hôm 29-10, làm 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, vẫn còn là một bí ẩn. Song Lion Air là hãng hàng không từng có nhiều tì vết về vấn đề an toàn và từng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm bay vào không phận của khu vực này.

Nếu cẩn trọng, trước khi đặt vé của một hãng hàng không, các hành khách có thể tham khảo các đánh giá của Mỹ và EU về tiêu chuẩn an toàn hàng không của các nước cũng như các hãng máy bay của nước đó.

Các nhà điều tra kiểm tra các mảnh vỡ của máy bay Boeing 737 MAX của Lion Air được trục vớt từ biển. Ảnh: AP

Bị trục trặc kỹ thuật ngay trước ngày gặp nạn

Sáng 29-10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX mang số hiệu JT610 của Lion Air rơi xuống vùng biển ở ngoài khơi tỉnh Tây Java (Indonesia) chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno - Hatta ở Jakarta. 189 người trên máy bay được xác định đã thiệt mạng và những mảnh thi thể đầu tiên của các nạn nhân đã được tìm thấy. Chiếc máy bay Boeing 737 MAX xấu số chỉ mới hoạt động vào đầu tháng 8 và có tổng cộng 800 giờ bay.

Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia cho biết thời tiết và tầm nhìn vào thời điểm máy bay rơi được đánh giá tốt. Trước đó một ngày, chiếc máy bay gặp nạn đã được sử dụng cho chuyến bay từ đảo Bali đến Jakarta. Hành khách trên chuyến bay đó cho biết máy bay gặp sự cố động cơ trước lúc cất cánh và họ được yêu cầu không lên máy bay cho đến khi các kỹ sư khắc phục xong sự cố.

Edward Sirait, Giám đốc điều hành Lion Air, cho biết các vấn đề kỹ thuật của máy bay Boeing 737 MAX được báo cáo sau chuyến bay tối hôm trước đó đã được khắc phục theo các hướng dẫn bảo dưỡng của nhà sản xuất.

Lion Air là hãng hàng không có nhiều tì vết xấu về vấn đề an toàn và từng bị cấm bay vào không phận EU từ năm 2007-2016. Các cơ quan quản lý ở EU và Mỹ đánh giá mức độ an toàn của các hãng hàng không trên thế giới bằng cách so sánh các tiêu chuẩn an toàn về hàng không của quốc gia chủ quản hãng hàng không đó so với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Công bố đánh giá của họ về các hãng hàng không trên thế giới thường căn cứ theo quốc gia và cung cấp các thông tin để hành khách đi máy bay biết được hãng hàng không mà họ định đặt vé có nằm trong danh sách đen về mức độ an toàn hay không.

200 hãng hàng không vào danh sách đen của EU

Danh sách An toàn hàng không (Air Safety List) của EU liệt kê những hãng hàng không bị cấm bay hoặc chỉ được bay hạn chế ở không phận EU trong một số điều kiện nhất định. Tiêu chí đánh giá dựa vào các tiêu chuẩn an toàn do Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc thiết lập bao gồm quy trình cấp phép nhân viên hàng không (giáo viên dạy bay, phi công, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng...), các dịch vụ dẫn đường hàng không, điều tra tai nạn hàng không và luật hàng không của một quốc gia. Danh sách An toàn hàng không của EU được cập nhật thường xuyên dựa trên ý kiến đánh giá thống nhất của các chuyên gia an toàn hàng thuộc Ủy ban An toàn hàng không EU.

Theo danh sách này, hiện nay có 200 hãng hàng không bị cấm bay hoặc hạn chế bay ở không phận EU, chủ yếu do các cơ quan quản lý hàng không ở các quốc gia nơi mà các hãng hàng không này đăng ký hoạt động thiếu sự giám sát an toàn. Trong số 200 hãng hàng không này, chỉ có 6 hãng hàng không bị cấm bay ở EU vì các vấn đề an toàn liên quan đến chính các hãng hàng không này, bao gồm Avior Airlines (Venezuela), Iran Aseman Airlines (Iran), Iraqi Airways (Iraq), Blue Wing Airlines (Suriname), Med-View Airlines (Nigeria) và Air Zimbabwe (Zimbabwe).

Hành khách có thể tìm hiểu về Danh sách An toàn hàng không của EU tại đường link: https://ec.europa.eu/transport/sites/transport/files/air-safety-list_en.pdf

Năm 2007, tất cả các hãng hàng không Indonesia bao gồm Lion Air đều bị đưa vào Danh sách An toàn hàng không của EU do nhà chức trách quản lý hàng không ở Indonesia không giải quyết các lo ngại của EU về an toàn hàng không. Đến tháng 6-2018, tất cả các hãng hàng không Indonesia được EU cho ra khỏi danh sách đen sau khi EU ghi nhận tình hình an toàn hàng không của Indonesia đã được cải thiện.

Mỹ đánh giá an toàn của các hãng hàng không như thế nào?

Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) điều hành Chương trình thẩm định an toàn hàng không quốc tế (IASA) để bảo đảm rằng quốc gia, nơi mà một hãng hàng không nước ngoài đặt trụ sở, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức ICAO ban hành. IASA đánh giá các quốc gia dựa vào tám tiêu chí bao gồm: luật hàng không, các quy định quản lý hoạt động bay, hệ thống hàng không dân dụng, các chức năng giám sát an toàn, huấn luyện và trình độ chuyên môn của nhân sự cũng như cách mà các vấn đề an toàn được giải quyết ở các quốc gia này.

Kết quả đánh giá được cập nhật thường xuyên và được công bố theo mức xếp hạng 1 (đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO) hoặc xếp hạng 2 (không đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO). Hành khách có thể vào đường link www.faa.gov/about/initiatives/iasa/media/IASAWS.xlsx để kiểm tra tình trạng an toàn hàng không của mỗi nước được đánh giá theo IASA.

Ngoài ra, trang web Airlineratings.com cũng thường xuyên chấm điểm mức độ an toàn của 435 hãng hàng không trên thế giới. Trang web này sử dụng hệ thống xếp hạng bảy sao để đánh giá mức độ an toàn của các hãng hàng không dựa vào các tiêu chí như liệu các hãng này có vượt qua được cuộc kiểm tra an toàn hoạt động của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) hay không, liệu họ có được phép bay vào EU hay không, liệu họ có để xảy ra tai nạn máy bay gây chết người nào trong 10 năm qua hay không...

Trước khi vụ tại nạn của máy bay Boeing 737 MAX mang số hiệu JT610 xảy ra, Lion Air đang được xếp hạng 6 sao.

Trong khi nguyên nhân của vụ tại nạn vẫn đang được điều tra, các số liệu cho thấy đi lại bằng hàng không có mức an toàn cao. IATA, cơ quan đại diện cho 290 hãng hàng không thành viên, chiếm 82% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu, cho biết trong năm 2017 tỉ lệ tai nạn máy bay chỉ là 1,08/1 triệu chuyến bay.

Được thành lập vào năm 1999, Lion Air là hãng hàng không lớn nhất Indonesia và là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ hai Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong lịch sử gần 20 năm hoạt động, Lion Air để xảy ra nhiều vụ tai nạn.

- Tháng 11- 2004, máy bay McDonnell Douglas MD-82 của Lion Air rơi ở Surakarta, Indonesia khiến 25 người thiệt mạng.

- Tháng 3- 2006, máy bay McDonnell Douglas MD-82 của Lion Air trượt khỏi đường băng khi hạ cánh ở sân bay quốc tế Juanda International Airport, Indonesia nhưng may mắn, không có ai bị thương.

- Tháng 11-2010, một số hành khách bị thương do máy bay Boeing 737-400 của Lion Air chạy vượt khỏi đường băng khi hạ cánh ở sân bay Supadio ở thành phố Pontianak, Indonesia. Tất cả 174 hành khách và thành viên phi hành đoàn được sơ tán bằng các máng trượt khẩn cấp.

- Tháng 4-2013, máy bay Boeing 737-800 của Lion Air, chở 108 người, bay từ Bandung to Denpasar (Indonesia), rơi xuống một khu vực biển gần bờ khi đang chuẩn bị hạ cánh. Thân máy bay bị gãy làm đôi, khiến 46 người bị thương. Một số hành khách đã tự bơi vào bờ.

Theo New York Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281088/lam-sao-de-tham-khao-muc-do-an-toan-cua-cac-hang-hang-khong.html