Làm sao để tránh tổn thương khi bị phê bình?

Không ai là hoàn hảo, kể cho bạn có cố gắng nhiều đi chăng nữa thì việc bị phê bình là điều khó tránh khỏi. Vậy làm thế nào để tránh tổn thương khi bị phê bình?

Phân biệt giữa phê bình mang tính xây dựng và những phê bình có tính châm chích, đả kích

Đây là bước đầu tiên mà bạn nên thực hiện mỗi khi nhận được lời phê bình. Bạn phải biết nguồn gốc bắt nguồn của những lời góp ý cũng như hiểu được động cơ của người đưa ra những lời phê bình đó. Nếu người phê bình là giáo viên hoặc cấp trên, có thể họ chỉ muốn bạn cải thiện biểu hiện và năng lực làm việc hoặc học tập của mình.

Nhưng nếu những lời phê bình đó bắt nguồn từ bạn bè, đối thủ hoặc kể cả tình định, bạn cần tỉnh táo để xác định liệu người này có quan trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống thường trực của bạn hay không. Với những lời phê bình không giúp bạn tốt lên mà chỉ khiến bạn thêm tổn thương, hãy bình tâm và tìm cách đối phó. Đừng quá đặt nặng vấn đề làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Chấp nhận rằng bản thân không hoàn hảo

Đây là cách tốt nhất để bạn ứng phó với những lời phê bình. Nếu bạn nhận phải phê bình và bạn cứ khăng khăng rằng mình không làm sai, bạn sẽ khó thoát ra được những ám ảnh tâm lý về việc này. Bạn nên nhớ rằng không ai hoàn hảo. Mỗi người đều có những thiếu sót riêng của mình. Nếu không nhận ra được khuyết điểm của mình, bạn không thể đối phó được với những lời chỉ trích xung quanh.

Bạn nên tự liệt kê ra cho mình 10 điểm yếu của bản thân mà bạn cần khắc phục. Việc này không phải để bạn trở nên mặc cảm và tự ti về mình mà sẽ giúp bạn thấy rằng mình còn cơ hội để cải thiện.

Ngưng việc tự bào chữa cho bản thân

Nếu ai đó đang phê bình bạn, cách tốt nhất là bạn nên ngưng việc tự bào chữa cho bản thân và cho rằng họ đang sai lầm khi nói về bạn. Đặc biệt khi bạn hiểu những lời họ nói là hoàn toàn chính xác. Việc chúng ta luôn có cảm giác tự vệ và cho rằng mình không sai là điều hết sức tự nhiên của con người, nhưng bạn cần phải lắng nghe ý kiến của người khác thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra biện luận, bảo vệ bản thân.

Cảm ơn người phê bình bạn vì họ đã thật lòng (với những người có ý tốt)

Nếu bạn nhận phải những lời phê bình thân thiện, có ý giúp đỡ và chân thành thì hãy cảm ơn người đã phê bình bạn. Việc cảm ơn này cũng có ý nghĩa như một dấu hiệu của sự trưởng thành rằng bạn biết chấp nhận khuyết điểm và có ý khắc phục.

Luôn nhớ những lời phê bình có tính xây dựng sẽ giúp bạn tốt hơn

Con người tệ nhất là khi không biết đối diện với chính mình, những sai lầm của mình. Ngay cả khi có người chỉ ra những khuyết điểm đó thì bản thân cũng khó chấp nhận và chịu sửa đổi. Vì vậy, bạn hãy trân trọng những lời phê bình có tính xây dựng. Đó chính là động lực giúp bạn cải thiện bản thân và trau dồi năng lực mình ngày càng tốt hơn, chứng minh cho người đã phê bình bạn thấy rằng bản thân bạn đang tốt lên từng ngày.

Bị phê bình không phải là một việc vui vẻ dẫu cho đó là từ giáo viên, cấp trên hay đối thủ của bạn. Hi vọng bài viết trên phần nào giúp bạn biết cách xử lý và kiểm soát tâm trạng tốt hơn khi lâm vào tình huống này.

Dew Nguyễn

Theo: Thethaovanhoa.vn

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/tam-su/lam-sao-de-tranh-ton-thuong-khi-bi-phe-binh-20296.html